Giá vàng sẽ biến động mạnh?

Báo giới đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại VN về vấn đề: giá vàng sẽ tăng hay giảm trong thời gian tới?

Giá vàng thế giới tăng trở lại và đạt 625 USD/oz vào ngày 8-11 - mức cao nhất trong vòng 8 tuần qua, khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn không biết nên mua hay bán. Vậy theo ông, trong thời gian này, nhà đầu tư nên xử lý như thế nào?

Giá vàng thế giới tăng đã kéo giá vàng trong nước tăng theo, đồng thời chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới cũng đã được thu hẹp lại. Trong ngày 3-11, giá vàng trong nước và thế giới đã ngang bằng. Trước đó, giá vàng trong nước đã từng cao hơn giá vàng thế giới từ 40.000 đến 50.000 đồng/chỉ, khi giá vàng thế giới ở mức dưới 600 USD/oz.

Tuy nhiên, theo tôi, trong giai đoạn này, người mua vàng phải hết sức thận trọng, vì giá vàng được dự báo sẽ biến động mạnh trong thời gian tới và biên độ giao dịch lên xuống rất rộng. Vẫn còn nhiều khả năng một lượng lớn vàng sẽ bán vàng ra để kiếm lời sau khi được mua vào với mức giá dưới 600 USD/oz.

Do vậy, người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ trong việc lựa chọn kênh đầu tư cũng như bỏ tiền ra mua vàng.

Nhiều người cho rằng, vàng sẽ tiếp tục cao giá. Xin cho biết dự báo của ông về diễn biến giá vàng trong thời gian tới?

Tôi thừa nhận, đầu quý IV hàng năm, nhu cầu về vàng nguyên liệu tăng cao, khiến thị trường vàng sôi động hơn, vì đây là mùa có nhiều lễ hội. Do vậy, giá bán cũng được điều chỉnh tăng theo. Mức tăng có thể cao nhất trong cả năm.

Tuy nhiên, trong quý IV năm nay, tôi cho rằng, giá vàng vẫn điều chỉnh theo hướng tích cực, nhưng khó có thể vượt ngưỡng 650 SD/oz, vì mức tăng của vàng đã đạt đến đỉnh điểm trong tháng 5 năm nay (vượt ngưỡng 1,5 triệu đồng/chỉ). Từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng hơn 19%, trong khi cả năm trước, vàng chỉ tăng 18%. Điều này cho thấy, mức tăng của giá vàng trong năm nay đã đạt đến ngưỡng như mọi năm.

Sức tiêu thụ vàng năm nay rất lớn. Tính đến hết tháng 9, SJC đã dập được trên 1,133 triệu lượng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ dập tối đa 1 triệu lượng. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn trở lại đây, người tiêu dùng đã tỉnh táo hơn trong việc đầu tư vàng. Người dân không còn vội vã đi mua vàng lúc cao giá và bán ra ngay sau khi thị trường có dấu hiệu hạ nhiệt.

Chính điều này đã làm cho thị trường phần nào ổn định hơn, giới kinh doanh cũng không thể lợi dụng bán vàng cao giá khi nhu cầu tăng đột biến. Mặt khác, trong những tháng còn lại của năm 2006, nếu nhu cầu vàng tăng thì cũng chỉ là vàng vật chất.

Như vậy, giá vàng khó có thể tăng trở lại đỉnh điểm như hồi tháng 5, mà có thể chỉ chạm mức 650 USD/oz.

Trong giai đoạn này, không chỉ có vàng, mà cả USD, chứng khoán đều tăng. Theo ông, trong bối cảnh như vậy, nhà đầu tư nên bỏ vốn vào kênh nào để thu được hiệu quả cao hơn?

Bình luận về các công cụ đầu tư thì chúng ta phải nói đến nguyên lý tỷ lệ thuận giữa lợi nhuận và rủi ro, có nghĩa là lợi nhuận càng cao thì mức độ rủi ro càng lớn và ngược lại.

Do đo, nếu đem so sánh các công cụ đầu tư như USD, chứng khoán và vàng thì đầu tư vào USD là an toàn hơn cả, tuy lãi suất hằng năm của USD chỉ ở mức 4 - 4,5%. Còn vàng thì ở mức độ rủi ro trung bình, với mức lợi nhuận từ 20% đến 25%/năm.

Riêng về chứng khoán, tuy có tỷ lệ lợi nhuận cao nhất, nhưng thị trường chứng khoán thường có những biến động khó lường.

Còn đối với việc gửi tiết kiệm trong thời điểm giá vàng cao giá thì sao, thưa ông? Người tiêu dùng nên gửi tiết kiệm bằng vàng hay bằng VND?

Theo tôi, người tiêu dùng chỉ nên đầu tư vào vàng khi giá ở mức thấp; chẳng hạn mua khi giá vàng dưới mức 600 USD/oz và bán ra ở mức 650 USD/oz, theo nguyên tắc “mua rẻ bán đắt” nhằm hạn chế rủi ro.

Tuy nhiên, đối với việc gửi tiết kiệm, khi vàng đứng giá ở mức cao thì dĩ nhiên người tiêu dùng gửi tiết kiệm bằng VND vẫn an toàn hơn so với việc gửi tiết kiệm bằng vàng.

Theo Đầu tư