Giá vàng lấy lại mốc 44 triệu đồng/lượng

(Dân trí) - Sáng nay 13/3, giá vàng SJC bán ra được các doanh nghiệp đồng loạt đẩy lên mức 44 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 100.000 đồng/lượng so với chiều qua. Chênh lệch giá trong nước và thế giới vẫn duy trì ở mức 3,8 triệu đồng/lượng.

Vàng vọt lên mốc 44 triệu đồng/lượng.
Vàng vọt lên mốc 44 triệu đồng/lượng.
 

Mở cửa thị trường vàng trong nước phiên sáng nay 13/3, giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết giao dịch của Công ty CP SJC Hà Nội ở mức 43,9 triệu đồng/lượng (mua vào) - 44 triệu đồng/lượng (bán ra), điều chỉnh tăng mỗi chiều 40.000 đồng/lượng và 110.000 đồng/lượng so với chốt phiên chiều qua.

 

Điều chỉnh tăng mỗi chiều 60.000 đồng/lượng và 100.000 đồng/lượng, giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết của Công ty CP Đầu tư Vàng Phú Quý ở mức 43,91 triệu đồng/lượng - 44,01 triệu đồng/lượng.

 

Tại thị trường TPHCM, giá vàng SJC niêm yết thông qua Công ty VBĐQ Sài Gòn ở mức 43,87 triệu đồng/lượng - 44,02 triệu đồng/lượng, tăng mỗi chiều 20.000 đồng/lượng và 120.000 đồng/lượng.

 

Hiện tại, giá vàng miếng trong nước cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 3,8 triệu đồng/lượng.

 

Hôm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 06 hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN. Trong đó nêu rõ: Loại vàng miếng giao dịch mua, bán với NHNN là vàng miếng hàm lượng 99,99%, loại 1 lượng do NHNN cho phép sản xuất hoặc tổ chức sản xuất trong các thời kỳ. Trong thời gian trước mắt, loại vàng miếng giao dịch mua bán với NHNN là vàng miếng do NHNN tổ chức sản xuất (vàng miếng SJC).

 

Tùy điều kiện thực tế, trong trường hợp cần thiết, NHNN có thể xem xét mua bán các loại vàng miếng khác do NHNN đã cho phép sản xuất trong các thời kỳ. Loại vàng miếng giao dịch cụ thể được thông báo cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trong thông báo mua, bán vàng miếng hoặc thông báo đấu thầu mua, bán vàng miếng của NHNN.

 

Trên thị trường thế giới, giá vàng ghi nhận đợt tăng giá dài nhất 6 tháng khi tăng trưởng kinh tế châu Âu chậm lại, làm tăng khả năng ngân hàng trung ương kích thích tiền tệ.

 

Cụ thể, lúc 8h45 sáng nay, giá vàng giao ngay trên Kitco giao dịch ở mức 1.592,5 USD/ounce. Còn chốt phiên giao dịch đêm qua 12/3, giá vàng giao tháng 4 trên sàn Comex tăng 0,9%, lên 1.591,7 USD/ounce. Đây là phiên tăng thứ 5 liên tiếp và là đợt tăng dài nhất kể từ ngày 21/8. Trong phiên, có lúc giá vàng lên 1.598,2 USD.

 

Tuy nhiên, giá vàng không thể vượt mốc tâm lý 1.600 USD/ounce do gặp lực cản bởi nhu cầu yếu từ các quỹ ETF. Lượng vàng nắm giữ bởi các quỹ tín thác giảm còn 2.479,9 tấn phiên ngày 11/3, thấp nhất kể từ tháng 9/2012. Riêng quỹ đầu tư tín thác bằng vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã giảm lượng vàng nắm giữ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2011 với 1.236,7 tấn hôm 11/3 vừa qua.

 

Ngược lại, sức mua vàng vật chất tại châu Á gần đây có dấu hiệu tích cực khi nhiều người kỳ vọng Nhật Bản sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Ở Trung Quốc, nhà đầu tư cũng quan tâm tới vàng trở lại, với khối lượng giao dịch trên sàn Thượng Hải đã tăng 24% trong 2 tháng đầu năm nay.

 

Hiện tại, thị trường vàng bị chi phối bởi thông tin chính sách tiền tệ mà các ngân hàng trung ương các nước sẽ áp dụng. Điển hình là việc Chủ tịch Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) đồng thời là một thành viên hội đồng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cho biết, ECB sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian dài nhất cần thiết.

 

Ngoài ra, số liệu công bố hôm qua 12/3 cho thấy, sản lượng công nghiệp Anh bất ngờ giảm trong tháng 1. Trong cuộc họp chính sách hồi tháng 2, ngân hàng trung ương Anh (BOE) cho biết họ sẵn sàng tăng kích thích tiền tệ để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế.

 

Trước đó, hãng xếp hạng Fitch đã hạ 1 bậc tín dụng của Italia, trong bối cảnh khủng hoảng eurozone có thể diễn biến theo hướng tồi tệ hơn trong thời gian tới.

 

Như vậy, sau 12 năm tăng giá liên tiếp, giá vàng giảm 5% kể từ đầu năm nay khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi làm giảm nhu cầu vàng làm nơi trú ẩn an toàn.

 

An Hạ