Nhận định thị trường tuần này:

Giá vàng chờ diễn biến đồng USD và bầu cử tại châu Âu

(Dân trí) - Kết thúc tuần vừa qua với mức giảm nhẹ 0,5%, giá vàng tuần này được các chuyên gia nhận định phụ thuộc nhiều vào diễn biến đồng USD và kết quả bầu cử tại Pháp và Hy Lạp.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần qua trên thị trường New York, giá vàng giao ngay nhích 0,4% so với ngày hôm trước, lên 1.643,2 USD/ounce. Hợp đồng vàng tháng 6 được giao dịch ở mức 1.645,2 USD/ounce. Dù vậy so với đầu tuần, kim loại quý này vẫn giảm giá 1,17%.

Giá vàng chờ diễn biến đồng USD và bầu cử tại châu Âu
Giá vàng có thể bị ảnh hưởng lớn bởi các cuộc bầu cử tại châu Âu

Sở dĩ thứ Sáu vừa qua các nhà đầu tư hào hứng lớn là do trước đó, số liệu việc làm do Bộ lao động Mỹ cho thấy chỉ có 115.000 nhân công được thuê mới trong tháng Tư, thấp hơn nhiều con số kỳ vọng 163.000 USD. Điều này càng làm dấy lên hy vọng vào khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ có thể tung ra gói kích thích kinh tế lần 3 trong thời gian tới.

Chủ tịch Ben Bernanke đã nói rằng “QE3 sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu sắp tới. Trong bài phát biểu lần tới ông ấy sẽ tái nhấn mạnh rằng Fed sẵn sàng có nhiều bước đi rõ ràng hơn”, Axel Merk trưởng bộ phận đầu tư của Merk Funds, quỹ đầu tư có tài sản 650 triệu USD nhận định. “Đó là một trong những lý do chính khiến giá vàng tăng lên bởi thời kỳ củng cố đã diễn ra rất lâu”.

Nhưng liệu sự hưng phấn ấy có kèo dài sang đến tuần này? Đây là điều khó dự báo ngay cả đối với các chuyên gia. Trong số 22 người tham gia khảo sát của Kitco, 10 ý kiến cho rằng vàng sẽ còn đi lên trong khi 8 người nhận định ngược lại. 4 chuyên gia dự báo giá sẽ không đổi.

Thông tin được nhận định có nhiều ảnh hưởng tới giá vàng tuần này đó là 2 cuộc bầu cử ở Pháp và Hy Lạp. Bởi các sự kiện này “sẽ ảnh hưởng tới đồng Euro và có thể tác động tới giá vàng cũng như mức độ biến động của thị trường”, các nhà phân tích của Deutsche Bank nhận định.

Các nhà đầu tư lo ngại rằng mối quan hệ không mấy tốt đẹp của tân tổng thống Pháp Francois Hollande (vừa đắc cử) với thủ tướng Đức Angela Merkel cộng với những khác biệt về quan điểm có thể khiến cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu kéo dài, khiến thị trường bất ổn.

Dù vậy nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Unicredit Erik F. Nielsen khẳng định: “Như tôi từng nhận định, tôi cho rằng mọi người không nên quá lo lắng về sự ra đi của Sarkozy và xuất hiện của Hollande. Chúng ta sẽ không biết chính sách thực sự của Hollande là gì cho đến tận cuộc bầu cử nghị viện ngày 17/6”.

Thanh Tùng
Theo CNBC và Kitco