1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Giá USD tiếp tục lao dốc

(Dân trí) - Sau đợt điều chỉnh giảm giá mạnh tuần qua, hôm nay 5/8, giá USD tại thị trường chính thức và tự do tiếp tục “rủ nhau” đi xuống. Tính đến 15h hôm nay, giá USD giao dịch tại một số ngân hàng chỉ còn mức 21.150 đồng.

Tỷ giá đã trở về quỹ đạo vốn có (ảnh minh họa).

Tỷ giá đã trở về "quỹ đạo" vốn có (ảnh minh họa).

Chiều nay 5/8, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 21.080 đồng (mua vào) - 21.150 đồng (bán ra), giảm mỗi chiều 10 đồng so với sáng nay và giảm 20 đồng/1 USD so với thứ 6 tuần trước.

Tương tự, Vietinbank điều chỉnh giá USD xuống mức 21.075 đồng - 21.140 đồng, giảm mỗi chiều 10 đồng và 20 đồng so với sáng nay.

Còn Eximbank điều chỉnh chiều mua vào giảm 10 đồng nhưng tăng chiều bán ra thêm 10 đồng, hiện giao dịch ở mức 21.080 đồng và 21.170 đồng…

Ảnh hưởng từ thị trường chính thức, giá USD tại thị trường tự do cũng điều chỉnh giảm mạnh. Tính đến 14h30 hôm nay, giá USD được một số điều thu đổi ngoại tệ trên phố Hà Trung (Hà Nội) báo giá ở mức 21.210 đồng - 21.280 đồng, giảm mạnh mỗi chiều 70 đồng và 20 đồng so với sáng nay.

Sau khi giá USD tăng mạnh do ảnh hưởng bởi việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% từ cuối tháng 6, thị trường “đồng bạc xanh” đã giảm mạnh. Cùng với đó, tình hình căng thẳng tỷ giá đã có dấu hiệu dừng lại khi một số thông tin cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã bán USD bình ổn thị trường ngoại hối trong nửa cuối tháng 7.

Bởi trước đó, trong nửa đầu tháng 7, tỷ giá USD/VND giao dịch trên thị trường liên ngân hàng lẫn tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại đều tăng kịch trần. Chênh lệch giữa tỷ giá trên thị trường không chính thức với tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại có thời điểm lên đến 600 đồng/1 USD.

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, sau động thái điều chỉnh tỷ giá chính thức 1% của Ngân hàng Nhà nước vào ngày 28/6, thị trường ngoại hối vẫn có những biến động khá mạnh. Tuy nhiên, đây chỉ là những “dư chấn” tâm lý của đợt điều chỉnh trên.

Ngoài ra, theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cũng có một số nguyên nhân khác gây tác động nhẹ đến thị trường như: Nhu cầu cân bằng, điều chỉnh trạng thái ngoại hối của các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp; Các nhà đầu tư nước ngoài điều chỉnh danh mục đầu tư và chốt lời. Tính từ tháng 6 đến nửa đầu tháng 7, nhà đầu tư nước ngoài đã rút xấp xỉ khoảng 450 triệu USD trên thị trường trái phiếu cũng như khoảng gần 100 triệu USD trên thị trường cổ phiếu.

Tuy nhiên, theo nhận định của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, sự biến động này chỉ mang tính nhất thời, cung - cầu ngoại hối trên thị trường trong những tháng cuối năm vẫn ổn định, dự trữ ngoại tệ tiếp tục tăng khá.

An Hạ