Giá trần dịch vụ chung cư: Kẻ kêu bỏ, người nói duy trì!
(Dân trí) - Đây không phải lần đầu giá dịch vụ chung cư được đưa ra tranh luận tại một hội nghị có đầy đủ các ban ngành. Cũng như những lần trước, các bên đều đưa ra những lý do để bảo vệ quan điểm về việc duy trì hay gỡ bỏ giá trần chung cư…
Không bỏ được thì giá bao nhiêu cũng chiều
Hà Nội là địa phương đầu tiên thực thiện theo Quyết định 4520. Theo Quyết định được ban hành ngày 29/9/2011, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt đề án giá dịch vụ nhà chung cư và ban hành giá trần giá dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn.
Về giá dịch vụ chung cư được chia làm 3 mức khác nhau là nhà chung cư không có thang máy được quy định với mức giá 2.400 đồng/m2/tháng; nhà chung cư có thang máy - mức thiết yếu là 3.100 đồng/m2/tháng; nhà chung cư có thang máy - mức mở rộng là 4.000 đồng/m2/tháng. Với mức giá này, những chung cư có được sự đồng thuận giữa cư dân và ban quản lý tòa nhà thì không cần áp dụng theo mức giá trên.
Tại hội thảo quản lý giá dịch vụ nhà chung cư tại thành phố Hà Nội chiều ngày 21/1 do Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức, về mức giá nêu trên, phía doanh nghiệp liên tục cho rằng, áp dụng giá trần dịch vụ chung cư như hiện nay khiến họ không thể giải quyết nổi tranh chấp khi phải đàm phán với từng hộ gia đình.
Theo quy định của UBND TP Hà Nội thì giá dịch vụ cao nhất chỉ 4000 nghìn đồng/m2. Mức giá thấp này khiến doanh nghiệp rất khó thực hiện với những chung cư cao cấp.
Ông Nguyễn Văn Bách, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD) cho hay Tổng HUD có trên 140 tòa nhà chung cư, đa số các tòa nhà đều vận hành với phí dịch vụ rẻ chỉ rơi vào 1.500 đồng/m2 nhưng vẫn xảy ra tranh chấp.
Còn ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT- Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí toàn cầu (GP - Invest) thì thẳng thắn đề xuất nên bỏ quy định giá trần dịch chung cư. Theo ông Hiệp hiện nay chưa có chuẩn xếp hạng chung cư thì việc áp giá trần sẽ rất khó thực hiện.
Ông Hiệp đặt câu hỏi để bảo vệ cho quan điểm bỏ giá trần dịch vụ của mình rằng “ Hiện nay chung cư của chúng tôi có thang máy, có camera, có hệ thống chữa cháy thì không biết có được xếp vào chung cư cao cấp hay không?”
Cùng đồng kiến nghị bỏ giá trần dịch vụ chung cư, ông Michael Schmith, Tổng điều hành công sản khu đô thị Nam Thăng Long nêu quan điểm nếu tính theo bảng giá trần thì ông sẽ giảm bớt chất lượng phục vụ xuống tương xứng với số tiền chủ nhà bỏ ra. Theo đại diện vận hàng chung cư cao cấp Ciputra thì giá cao thì tất nhiên chất lượng phục vụ sẽ cao.
Ông Michael Schmith nói tính theo nhà nước 4.000 đồng/m2 thì chung cư cao cấp Ciputra vẫn có thể làm được. Tuy nhiên, để làm được điều này thì ông Schmith sẽ cắt bớt tần suất làm việc của những lao động phục vụ tòa nhà.
“Như vậy thay vì vệ sinh ngày một lần thì sẽ chỉ có một tuần một lần. Hoặc có năm bảo vệ thì với mức giá này (4000 nghìn đồng/m2) chỉ có một bảo vệ.. ”, đại diện đơn vị vận hành Ciputra nói.
“Can thiệp thô bạo” nhưng “cần thiết”?
Phát biểu sau khi đại diện các doanh nghiệp lên tiếng kiến nghị bỏ giá trần dịch vụ, hai đại diện đến từ Bộ Xây dựng - đơn vị soạn thảo Quyết định 4520 - là Vụ Kinh tế Xây dựng và Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản đều cho rằng cần thiết phải duy trì mức giá trần để thể hiện rõ vai trò quản lý nhà nước.
Ông Đỗ Thái Lưu, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Xây dựng thuộc Bộ Xây dựng nói: Điểm mấu chốt của các tranh chấp thời gian gần đây không hẳn là giá cao hay thấp mà là chủ đầu tư không công khai minh bạch mức giá thu của các hộ dân mà coi khoản thu này là lợi nhuận sau khi đầu tư.
Để bảo vệ quan điểm của mình về duy trì giá trần dịch vụ, ông Lưu nói: “Ban hành giá trần để cho chung cư hoạt động bình thường. Còn người dân muốn dịch cao hơn thì thỏa thuận với đơn vị vận hàng để bỏ tiền cao hơn”.
Cùng đến từ cơ quan quản lý nhà nước nhưng đại diện Sở Tư pháp Hà Nội Đỗ Minh Sơn cho rằng không nên áp dụng giá trần dịch vụ vì làm như vậy là “can thiệp thô bạo vào thị trường”. Đại diện sở Tư pháp nói có thể tiếp cận vấn đề bằng cách đặt tiêu chí để xây dựng giá dịch vụ nhà chung cư thay vì áp mức trần.
T.Chí