Gia tăng gây rối hàng không: Phương tiện thời thượng, ứng xử tiểu nông
Trong 11 năm qua, hàng không Việt Nam luôn tăng trưởng với tốc độ 2 con số mỗi năm. Khách hàng không tăng vọt, trong khi hạ tầng không theo kịp, chưa kể không ít người thiếu ý thức đã dẫn tới các vụ việc hỗn loạn tại sân bay, mới nhất là nữ công an Lê Thị Hiền (Hà Nội) gây náo loạn, hành hung nhân viên an ninh sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) hôm 11/8.
Hạ tầng quá tải, khách lắm chiêu trò
Theo Cục Hàng không Việt Nam, năm 2018, hàng không phục vụ trên 69,6 triệu khách nội địa (tăng 9,1% so với năm 2017). Với nhiều người đi máy bay thường xuyên, những hình ảnh sân bay đông đúc, đặc biệt tại sân bay Tân Sơn Nhất không còn xa lạ.
Thậm chí, không ít người còn mang theo mũ bảo hiểm xe máy để khi xuống sân bay có người thân đi xe máy tới đón. Dịp lễ, tết, đơn vị quản lý sân bay phải hạn chế người đưa tiễn vào khu vực làm thủ tục lên máy bay (check-in) để giảm tải, nhất là tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài (Hà Nội).
Theo Cục Hàng không, nhà ga hành khách sân bay Tân Sơn Nhất thiết kế phục vụ 25 triệu hành khách/năm, nhưng năm 2018 sân bay này đã phục vụ tới 38,5 triệu hành khách. Đường băng của sân bay tới tháng 4/2018 đã khai thác vượt thiết kế 70.900 lần cất hạ cánh, trung bình 1,2 phút có 1 chuyến bay cất hạ cánh.
Tương tự, nhà ga hành khách sân bay Nội Bài (Hà Nội) thiết kế phục vụ 21 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, trong năm 2018, cảng đã phục vụ hơn 26 triệu hành khách. Đường cất hạ cánh 1B tính tới tháng 4/2018 cũng khai thác vượt công suất thiết kế hơn 273.000 lượt cất hạ cánh. Có thời điểm, số chuyến bay cất và hạ cánh lên tới 42 chuyến/giờ so với năng lực khai thác là 37 chuyến/1 giờ (bình quân khoảng 1,4 phút sẽ có 1 chuyến bay cất hoặc hạ cánh).
Để không tạo thêm quá tải cho Nội Bài và Tân Sơn Nhất, một số hãng hàng không thành lập sau với mục tiêu khai thác chính các đường bay Hà Nội - TPHCM, đã không được Bộ GTVT chấp thuận. Đi liền với tình trạng quá tải hạ tầng sân bay, kéo theo đó là tình trạng gây rối, mất trật tự, vi phạm các quy định hàng không cũng nhiều hơn.
Tình trạng này, theo các cơ quan quản lý, do một bộ phận hành khách còn thiếu ý thức, chưa có văn hóa ứng xử nơi công cộng. Trong khi một số người mới lần đầu đi hàng không, do chưa nắm rõ quy định, khi gặp các vướng mắc về thủ tục, đã lập tức đổ lỗi cho hãng hàng không, các đơn vị phục vụ mặt đất.
Ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục hàng không từng có lần chia sẻ, có những hành khách thay vì xếp hàng để vào cửa soi chiếu an ninh từ sớm, sau khi làm thủ tục thường không vào ngay. Họ đợi sát giờ bay tầm 30 phút mới lấy lý do sắp trễ chuyến để được đi qua cửa cho khách thương gia, không phải xếp hàng. Hay có hành khách lên máy bay thấy đệm ghế hơi lệch, rồi yêu cầu lập biên bản vì cho rằng ghế hỏng.
Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề thiết kế tàu bay, khi đệm ghế cũng là 1 loại phao cứu sinh, dễ dàng tháo rời, không phải bắt vít cố định vào thành ghế như ô tô. Từng có hành khách chụp ảnh ghế sát cửa thoát hiểm, rồi đưa lên mạng xã hội nói hãng hàng không lắp thêm ghế để nhồi thêm khách, điều này không bao giờ xảy ra vì không ai được phép thay dù chỉ 1 ốc vít nếu chưa được nhà sản xuất chấp thuận. Nhiều hành khách vô tư mở của thoát hiểm tàu bay để thử cho biết. Hay các lời nói đùa có bom, có mìn…
“Yêu cầu an toàn với hàng không là tuyệt đối, nên mọi hành vi, lời nói có thể uy hiếp an toàn bay đều không được phép. Không vì sự ngẫu hứng của mình mà gây ảnh hưởng tới những người khác”, ông Cường nói.
Chậm, hủy chuyến làm khách bức xúc
Trước việc quá tải của các sân bay, trong báo cáo đảm bảo chất lượng phục vụ hành khách năm 2018, hãng hàng không Vietjet từng kiến nghị: Các cảng hàng không cần có giải pháp hạn chế người đưa tiễn vào khu vực làm thủ tục bay, để giảm ùn tắc, tránh gây mất trật tự tại cảng.
Đồng thời, lực lượng an ninh hàng không cần tăng cường biện pháp an ninh, can thiệp kịp thời để bảo vệ nhân viên hàng không, hành khách, không để xảy ra trường hợp khách hành hung nhân viên như tại sân bay Thọ Xuân (Thanh Hoá) hồi tháng 11/2018.
Còn theo Cty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO), thời gian qua đơn vị này đã tiếp nhận, sửa chữa không ít tàu bay bị tắc nhà vệ sinh, do bị mắc khăn mặt, bỉm, cả cuộn giấy vệ sinh và thậm chí là vỏ chai rượu loại nhỏ... Đây là những thứ hành khách bỏ vào nhà vệ sinh tàu bay.
Trong hệ thống buồng vệ sinh máy bay luôn có những hướng dẫn về chỗ xả nước, bỏ giấy vệ sinh, giấy lau tay, vị trí thay bỉm cho em bé… nhưng nhiều hành khách không đọc, mà thực hiện theo thói quen ở nhà. Việc thông tắc nhà vệ sinh này mất nhiều thời gian, không ít máy bay phải dừng khai thác nhiều ngày để khắc phục.
Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam Đoàn Quốc Bình cho rằng, năm 2018, có một số hãng hàng không thực hiện chưa đầy đủ, kịp thời trách nhiệm của mình. Điển hình như thông báo thay đổi giờ bay chưa kịp thời; tình trạng chậm, hủy chuyến bay, đặc biệt của các hãng hàng không giá rẻ; thái độ nhân viên chưa chuẩn mực, giải thích chưa thấu đáo… Điều này khiến hành khách phải chờ lâu gây bức xúc, phản ứng của hành khách ảnh hưởng tới an ninh trật tự tại sân bay.
Giải pháp để giảm tình trạng trên, ông Bình cho rằng, các hãng hàng không cần quán triệt tới nhân viên tiếp xúc hành khách phải có thái độ ân cần, chu đáo, tôn trọng và cầu thị. Hành khách nào có hành vi gây rối, quá khích cần xử lý quyết liệt, kiên quyết. Đồng thời, các hãng cần chủ động phổ biến tới các phòng vé, đại lý vé để tuyên truyền tới hành khách ngay khi mua vé các quy định hàng không, như giờ có mặt làm thủ tục, các loại giấy tờ cần mang theo, hàng hóa bị cấm…
Doanh nhân Vũ Anh Cường (áo tối màu) bị phạt 10 triệu đồng vì có hành vi sàm sỡ nữ hành khách trên máy bay
Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Cục Hàng không cho rằng, những hành vi như hành khách Vũ Anh Cường (sờ soạng nữ hành khách khác), hay nữ hành khách Lê Thị Hiền lăng mạ nhân viên hãng hàng không… đều không chấp nhận được, dù ở sân bay hay bất kể đâu. Đặc biệt, những hành khách này đều có học thức, không thể nói do thiếu hiểu biết. “Đó chỉ có thể lý giải là hành vi của người không có ý thức, thiếu văn hóa, coi mình là thượng đế”, vị này nhấn mạnh.
Chưa kể, theo ngành hàng không, hiện không ít hành khách nghĩ hàng không là phương tiện cao sang, dành cho người có tiền, nên xem mình là vua, người xung quanh phải phục vụ mình… Trong khi hàng không là phương tiện luôn cần tuyệt đối an toàn. Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới, khi số chuyến bay tăng, hành khách tăng, số vụ gây rối hoặc uy hiếp an ninh hàng không cũng tăng theo.
Theo Cục Hàng không, năm 2018, hàng không Việt Nam xảy ra 13 vụ hành khách hoặc người đi cùng đánh nhân viên hàng không làm nhiệm vụ hoặc là đánh lẫn nhau (tăng 3 vụ so với năm 2017). Ngoài ra, còn khoảng 5-6 vụ hành khách hoặc người đưa tiễn gây rối, cãi lộn, lăng mạ nhân viên làm nhiệm vụ.
Theo các chuyên gia, tình trạng hành khách gây rối, gây mất an ninh, bất an cho người dân một phần là do chế tài còn quá nhẹ.
Theo: Lê Hữu Việt
Tiền Phong