"Giá như kinh tế phát triển như ngày nay và đạo đức xã hội như ngày xưa"

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội đánh giá tình hình kinh tế đã đạt nhiều thành tích ấn tượng, tăng trưởng GDP quý I cao nhất 10 năm nhưng tình hình xã hội có những việc "động trời, khó tin". "Giá như kinh tế phát triển như ngày nay và đạo đức xã hội như ngày xưa", đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An): giá như kinh tế phát triển như ngày nay và đạo đức xã hội như ngày xưa!
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An): "giá như kinh tế phát triển như ngày nay và đạo đức xã hội như ngày xưa"!

Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2018.

Phát biểu tại Nghị trường, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đánh giá cao kết quả kinh tế - xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, theo ông, chất lượng tăng trưởng như thế thế nào, đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế, cơ cấu xuất khẩu,... cần được phân tích kỹ hơn.

“Tính bền vững của những yếu tố vĩ mô như thế nào? Tỷ trọng bền vững giữa các khu vực, thành phần ra sao? Kinh ngạch xuất khẩu các mặt hàng có tăng trưởng, bền vững?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Ông Xuân cũng cho rằng, Chính phủ cần phân tích sâu vấn đề tăng trưởng GDP, chất lượng tăng trưởng để Quốc hội hiểu hơn, làm thế nào để đảm bảo tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Về việc chậm giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2018, đại biểu Xuân cho rằng, việc Chính phủ nêu "do những tháng đầu năm vướng nhiều ngày nghỉ lễ" là chưa thoả đáng, cần đánh giá đầy đủ hơn.

"Phải làm rõ do quản lý yếu kém hay cơ chế chính sách và từ đó đề xuất giải pháp mạnh để khắc phục thời gian tới", ông nêu.

Đại biểu Xuân cũng đặt câu hỏi về hàng loạt vấn đề mà cử tri còn bức xúc trong giáo dục, đạo đức thày - trò, tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống, tệ nạn xã hội, trộm cướp…

"Chính phủ cần phân tích và nói nguyên nhân do đâu. Có phải chúng ta chưa xác định đúng chỉ tiêu đào tạo của các cơ sở giáo dục đào tạo, sự phân luồng, không phù hợp dẫn tới mất cân đối lực lượng lao động trong ngành nghề. Các biện pháp căn cơ trong thời gian sắp tới là gì?", ông Xuân nhấn mạnh.

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, Giám đốc Công an Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu cho biết, ông ấn tượng về những thành tích về kinh tế thời gian qua, trong đó có việc GDP quý I đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua, các chỉ số về tài chính tiền tệ, du lịch, xuất nhập khẩu đều tăng vượt chỉ tiêu đề ra; xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam được cải thiện; kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng làm "nức lòng cử tri cả nước"...

"Tuy nhiên, trong lĩnh vực xã hội gần đây có những việc động trời, khó tin như một số vụ giết người gây chấn động, thuốc chữa ung thư làm từ bột than, phế phẩm cà phê nhuộm bột pin, cô giáo bắt trẻ uống nước giẻ lau... Cử tri lo lắng và bày tỏ mong muốn, giá như kinh tế phát triển như ngày nay và đạo đức xã hội như ngày xưa", ông Cầu nêu.

Đồng quan điểm, đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cũng dẫn ý kiến cử tri cho rằng phát triển kinh tế hiện chưa song hành văn hóa. Cử tri kiến nghị cần dùng văn hóa để tuyên truyền, giáo dục, xây dựng hình ảnh con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

"Đây là yêu cầu bức xúc, khi những vấn đề đạo đức bị xói mòn, tiềm ẩn nguy cơ với xã hội. Kinh tế có phát triển đến mấy mà không quan tâm đến văn hóa thì chúng ta tự làm mất chúng ta, việc phát triển kinh tế là vô nghĩa. Nếu làm tốt vấn đề này có thể khắc phục được các vấn đề tiêu cực trong mối quan hệ giữa người với người, bênh vô cảm, giảm tệ nạn xã hội, việc quản lý Nhà nước dễ dàng hơn", ông nói.

Góp ý báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội, đại biểu Lưu Thị Mai (Hà Nội) cho rằng, sẽ toàn diện hơn nếu không chỉ đề cập đến số liệu thu chi mà có những đánh giá về chính sách.

Bà Mai cho rằng, về kế hoạch đầu tư công trung hạn gần 2 năm thực hiện vẫn rất khó khăn trong thực hiện, nợ đọng xây dựng cơ bản tại một số địa phương hiện rất lớn, tốc độ giải ngân vốn đầu tư cơ bản khó khăn.

Bà Mai nói thêm, Luật quy định không cho phép vượt tổng mức đầu tư, song thực tế khảo sát nhiều dự án đầu tư lớn, trọng điểm hầu hết đều vượt. Trong khi đó, mức trần ODA hiện đã vượt ngưỡng gần 173.000 tỷ đồng ảnh hưởng an toàn nợ công. Chính phủ nên sớm báo cáo Quốc hội vấn đề này để sớm điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn sớm nhất.

Phương Dung

"Giá như kinh tế phát triển như ngày nay và đạo đức xã hội như ngày xưa" - 2