ĐBSCL:

Giá lúa giảm, thương lái “neo ghe” chờ cứu giá

(Dân trí) - Mấy ngày nay, giá lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tục giảm mạnh khiến nông dân không bán được lúa, thương lái thua lỗ nặng nề, các ngành nghề liên quan cũng đình trệ. Tất cả đang chờ giải pháp cứu trợ từ phía Chính phủ.

Giá giảm lúa gạo dồn ứ

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Hầu hết thương lái thu mua lúa ở ĐBSCL đều chịu cảnh thua lỗ khi giá lúa đột ngột xuống thấp chỉ trong vòng 1 tuần. Thương Lái Võ Thanh Phong (ngụ xã Vị Trung, Vị Thủy, Hậu Giang) cho biết: “Từ đầu vụ đến nay 10 thương lái đều lỗ hết 10 vì giá lúa giảm, rất nhiều thương lái chấp nhận bỏ tiền đặt cọc vì nếu mua theo hợp đồng sẽ càng lỗ nặng nề hơn”.

 

Theo ông Phong, do đầu tuần đặt cọc mua lúa với giá 4.600 đồng/kg đến cuối tuần giá chỉ còn 4.100 đồng/kg nên nếu mua đợt này thì trung bình mỗi ghe 30 tấn, sẽ chịu lỗ từ 10 đến 15 triệu đồng, vì vậy thương lái buộc phải chấp nhận bỏ cọc để chịu lỗ ít hơn.


Giá lúa giảm, thương lái “neo ghe” chờ cứu giá
Gạo dội chợ, nông dân không bán được.

Nguyên nhân chính khiến giá lúa giảm sâu, theo nhiều thương lái, là do đầu vụ giá lúa tăng vì nhu cầu gạo nội địa cao. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, gạo nội địa “dội chợ” vì nguồn cung phong phú trong khi các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu chưa mạnh dạn thu mua vào thì lập tức giá giảm. Vì vậy, thương lái nào mua lúa càng nhiều thì càng lỗ nặng hơn.

 

Tình hình lúa gạo ở ĐBSCL giảm giá đã kéo theo hàng loạt ngành, nghề liên quan đình trệ theo. Ông Nguyễn Công Lý, chủ 3 máy gặt đập liên hợp đang thu hoạch lúa thuê ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cho biết: “Hiện tại thương lái đột ngột bỏ tiền đặt cọc nên nông dân không bán được lúa, bắt buộc lùi ngày thu hoạch lại để chuẩn bị tìm chỗ phơi, sấy nên công việc của tôi cũng bị ảnh hưởng. Trung bình vào vụ mỗi chiếc máy của tôi gặt được 3,5 ha/ngày thì mấy ngày nay chỉ gặt khoảng 1 ha/ngày do nông dân.”

 

Các nhà máy xay xát lúa gạo cũng trong tình cảnh tương tự khi giá lúa xuống thấp. Ông Nguyễn Thanh Hồng, chủ nhà máy xay xát lúa gạo cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu ở Hậu Giang cho biết: “Mọi năm tới thời điểm này tôi xay xát khoảng 5 ngàn tấn lúa nhưng năm nay chỉ xay xát được khoảng 400 tấn do tình hình lúa gạo ảm đảm. Bây giờ giá lúa xuống thấp hầu như ai cũng bị ảnh hưởng dây chuyền, nhất là cánh lái lúa nhiều người đã chịu lỗ hàng trăm triệu đồng, thậm chí phá sản”.

 

Theo ông Hồng, hiện tại lúa phẩm chất thấp IR 50404 chỉ mua với giá 4.100 đồng/kg còn lúa hạt dài chỉ 4.400 đồng/kg nhưng số lượng mua rất nhỏ giọt vì nhiều người sợ giá tiếp tục giảm. Vì vậy, lúa bây giờ dốn ứ trong nhà dân vì nhiều người thu hoạch vẫn chưa thể bán được.

 

Chờ giải pháp cứu giá lúa

 

Hiện tại, nhiều thương lái không dám thu mua lúa vào sợ càng mua giá càng xuống thấp. Trong khi đó, thông tin thị trường lúa gạo khá mù mờ, thương lái chỉ biết doanh nghiệp chế biến ngưng thu mua, hoặc thu mua với số lượng rất ít, giá thấp.

 

Thương lái Huỳnh Phú Lộc thu mua lúa ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Chỉ trong mấy ngày giá gạo nguyên liệu giảm tới 600 đồng/kg nên thương lái nào cũng chịu lỗ. Bây giờ hầu hết thương lái buộc phải neo ghe lại để chờ đợi thông tin thị trường lúa gạo ổn định mới thu mua tiếp”.

 

Còn ông Lý Khoa, chủ danh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo ở tỉnh Sóc Trăng cho hay: “Hiện ở Sóc Trăng chỉ còn lúa khô giống ST nhưng rất ít giao dịch vì cả doanh nghiệp, thương lái đều không dám mạo hiểm thu mua vào vì giá liên tục sụt giảm”.


Giá lúa giảm, thương lái “neo ghe” chờ cứu giá
Nông dân chuẩn bị thu hoạch lúa thì như ngồi trên đống lửa vì giá xuống thấp.

Nông dân chuẩn bị thu hoạch lúa thì như ngồi trên đống lửa vì giá xuống thấp. Ông Ngũ Văn Cần, trồng 1 ha lúa ở thị trấn Kinh Cùng (Phụng Hiệp, Hậu Giang) cho biết: “Gia đình tôi chuẩn bị thu hoạch lúa thì giá lại đột ngột giảm mà kêu cũng chẳng thấy ai mua. bây giờ nếu giá rẻ cỡ nào nông dân chúng tôi đều bắt buộc phải bán để trả nợ tiền vật tư và đầu tư cho vụ sau”.

 

Đến nay nông dân ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 600.00 ha trên tổng số 1,6 triệu ha đã xuống giống với năng suất cao nhất từ trước đến nay khoảng 7 tấn/ha. Nguồn cung cho xuất khẩu tương đối lớn nhưng theo nhiều chuyên gia, lúa gạo Việt Nam sẽ bị cạnh tranh gay gắt từ Ấn Độ và Thái Lan vì lượng lúa gạo tồn kho của 2 nước này rất lớn. Giải pháp tạm trữ vào lúc này được xem là tối ưu để cúu giá lúa, giúp nông dân có lãi.

 

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng viện lúa ĐBSCL cho biết: “Việc thu mua tạm trữ sẽ là giải pháp tốt để giúp ổn định giá lúa. Tuy nhiên phải tính toán thời gian thu mua tạm trữ như thế nào cho hợp lý vì rất nhiều nông dân sau khi thu hoạch phải bán lúa ngay để trang trải các chi phí”.

 

Minh Giang
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước