Giá lợn tiếp tục tăng: Ai đang thao túng?

Sự nghi vấn thịt lợn bị làm giá đang đặt vào các doanh nghiệp (DN) có doanh thu lớn trong lĩnh vực nuôi những tháng đầu năm 2020.

Giá lợn tiếp tục tăng: Ai đang thao túng? - 1

Giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao ngất ngưởng. Ảnh: Việt Linh

doanh nghiệp (DN) cung ứng nguồn lợn thịt và sở hữu đàn lợn giống lớn nhất nước, ông Kiều Đình Thép, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần C.P Việt Nam cho biết, ở miền Bắc trung bình C.P đang bán ra mỗi ngày 3.000-3.500 con lợn thịt, với mức giá 80.000 đồng/kg với phía Bắc. Còn ở cả nước bình quân mỗi ngày bán ra 15.000-17.000 nghìn con.

“Số liệu của chúng tôi đều có hóa đơn, chứng từ đầy đủ, để báo cáo thuế chứ không thể báo cáo sai”, ông Thép nói. Về việc vì sao, đã cam kết với Chính phủ là xuất bán lợn hơi với giá 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4/2020,  nhưng sau đó C.P liên tục điều chỉnh tăng giá và hiện đã tăng giá bán thêm 10.000 đồng/kg?, ông Thép cho biết: “Đây là việc khó trả lời”.

Theo ông Thép, những lần điều chỉnh giá, C.P đều báo cáo cho khách hàng.  Mức giá 80.000 đồng/kg, vẫn còn thấp hơn nhiều so với giá thị trường.“Với giá 80.000 đồng/kg nhưng thị trường vẫn rất khát, thậm chí nhu cầu họ đặt mức giá đó còn chẳng có lợn mà mua”, ông Thép nói.

Lãnh đạo Cty C.P cũng cho biết, hiện DN này chỉ bán lợn cho 200-300 khách hàng thường xuyên, đã ký hợp đồng, không bán cho khách hàng hoặc hệ thống lò mổ theo kiểu cắc - bụp.

“Đây là những khách hàng đã gắn bó, chia sẻ khi giá lên, cũng như xuống thấp. Vì vậy, lúc này mà không cấp hàng cho họ, thậm chí họ có thể kiện lại chúng tôi”, ông Thép nói và cho biết, vì thế, với nhiều thương lái, lò mổ họ phải mua qua chỗ nọ, chỗ kia nên giá cao.

Về lợn giống, theo ông Thép, lâu nay C.P cũng không bán lợn giống ra ngoài thị trường, mà chỉ bán trong hệ thống gia công của mình. Giá con giống hiện nay rất khan hiếm, giá cao, người chăn nuôi muốn mua cũng không có, kể cả các trang trại của dân.

Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco (DBC), DN có lãi lớn trong 3 tháng đầu năm 2020 cho biết, hiện công ty gần như không bán lợn thịt ra ngoài, vì trọng lượng còn nhỏ quá. Theo ông, muốn giá lợn dịu xuống, Chủ tịch Tập đoàn Dabaco cho rằng, người dân cần cân đối tiêu dùng thực phẩm, tăng tiêu thụ thịt gia cầm giá đang rẻ.

Theo ông So, hiện Dabaco đã có bán lợn giống cho ra dân, nhưng số lượng không được nhiều. “Lợn giống thì có được bao nhiêu thì bán bấy nhiêu, tháng vài nghìn con thì cũng không ăn thua gì”, ông So nói.

Về kiểm soát giá thịt lợn, ông So cho rằng, cần giảm bớt khâu trung gian trong chuỗi thịt lợn trước khi thịt đến tay người tiêu dùng.

Ðầu năm 2021 may ra giá lợn mới ổn định?

Hưng Yên là địa phương xuất hiện dịch tả lợn đầu tiên của cả nước (đầu tháng 2/2019). Ông Nguyễn Quang Tuấn, Chi cục trưởng Chăn nuôi, Thú y Hưng Yên cho biết, giá lợn hơi giao dịch tại địa phương đang ở mức 97.000 đồng/kg, có giảm vài giá so với tuần trước.

“Trong bối cảnh dịch hiện nay, giá chăn nuôi rơi vào khoảng 55 -60 nghìn đồng/kg. Phần đội lên chủ yếu do giá con giống cao, chứ phần thức ăn, điện nước, nhân công… không tăng là mấy. Với mức giá đó, người chăn nuôi lãi khủng 4-4,5 triệu đồng/con”, ông Tuấn nói.

Là địa phương bị dịch tả lợn châu Phi đầu tiên trên cả nước, ông Tuấn cho hay, trước dịch, tổng đàn lợn cả tỉnh khoảng 560 nghìn con. “Dịch càn quét khiến hơn 200 nghìn đầu lợn bị chết, tiêu hủy. Đến nay, chúng tôi mới phục hồi đàn được 430 nghìn con”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, do mất cân đối cung cầu, nên giá lợn cao như hiện nay có thể còn kéo dài, ít nhất phải hết năm hoặc sang đầu năm tới, nên hô hào mấy cũng không thể giảm được. “Muốn giảm giá thịt lợn, chỉ có tăng nhập khẩu thịt lợn”, ông Tuấn nhận định.

Về khả năng tái đàn, ông Tuấn nói thẳng: “Lấy đâu ra lợn giống để tái đàn!”. Theo ông, giá lợn hơn 3 triệu đồng/con cũng không có mà mua. Mặt khác, con giống chỉ nằm ở các DN chăn nuôi lớn như Cty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, Dabaco, Mavin…Cứ có lứa nào ra là họ nuôi lợn thịt hết, chứ làm gì có để bán ra ngoài.

Về nghi vấn các DN chăn nuôi lớn cấu kết, găm hàng, đẩy giá, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y Hưng Yên nói: “Thực ra, các DN cũng không dư thừa nhiều, họ chỉ duy trì ổn định tổng đàn của họ. Nên số DN có lợn giống, họ đều giữ lại nuôi.  Còn có cấu kết, găm hàng không thì tôi nghĩ với lợn thì rất khó, vì chỉ để quá lứa, thì không bán cho ai được”, ông Tuấn phân tích.

Ông Nguyễn Công Bắc, chủ trang trại trên 6.000 lợn thịt ở Sơn La cho rằng, do thiếu nguồn cung, nên giá thịt lợn từ nay đến hết năm khó về ở mức bình thường.

“Từ năm 2017 đến nay, chẳng lúc nào người chăn nuôi được “mát mặt” cả. Nay được giá một thời gian cũng để họ có cơ hội khôi phục, cũng là cơ sở để hộ nuôi vào đàn nhiều, lúc đó giá thịt mới giảm được. Nếu tăng được nguồn con giống, kiểm soát tốt dịch bệnh cũng phải sang đầu năm 2021 giá thịt lợn mới ổn định”, ông Bắc phân tích.

Theo Nam Khánh - Ngọc Mai

Tiền Phong