Giá IPO của Vietcombank sẽ là bao nhiêu?

Chính phủ đã quyết định cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được bán cổ phần lần đầu (IPO) trước khi bán cho nhà đầu tư chiến lược. Thị trường lập tức lên cơn sốt với hàng loạt dự đoán khác nhau.

ACB và Vietcombank: Giá nào cao hơn?

Vào đúng ngày có thông tin chính thức về việc Vietcombank được IPO trong năm 2007 trước khi bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, giá cổ phiếu của 2 ngân hàng niêm yết tại sàn Hà Nội và TPHCM đều tăng kịch trần (ngày 14/11).

Một yếu tố góp phần vào việc đưa ACB và STB (2 cổ phiếu chủ chốt tại 2 sàn giao dịch) tăng kịch trần là dự đoán của nhiều nhà đầu tư về một mức giá đấu bình quân cao của Vietcombank khi đợt IPO sắp diễn ra sẽ chỉ toàn các nhà đầu tư trong nước (các nhà đầu tư nước ngoài không được mua cổ phiếu của Vietcombank tại đợt IPO).

Tuy nhiên, bên cạnh những ước đoán về mức giá cổ phiếu của Vietcombank cao sẽ kéo giá của các cổ phiếu khác, các nhà đầu tư cũng như các chuyên gia chứng khoán cũng có những bình luận khác nhau về tham chiếu giá khi đi đấu giá Vietcombank.

Bản cáo bạch của Vietcombank chưa được công bố, giá đấu khởi điểm cũng chưa được tiết lộ nhưng rất nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu "đoán già, đoán non" về mức giá dự kiến của Vietcombank.

Nhiều nhà đầu tư đã lấy mức giá của ACB làm căn cứ và cho rằng, Vietcombank phải có giá cao hơn vì là ngân hàng lớn hơn, chi nhánh cũng rộng hơn... Khi trao đổi với một vài nhà đầu tư, chúng tôi nhận thấy các nhận định này là hoàn toàn cảm tính.

Một thành viên Hội đồng quản trị của ACB tỏ ra khá bực mình về cách tham chiếu giá này. Ông nhận xét, ACB có tỷ suất lợi nhuận cao hơn nhiều so với Vietcombank, mức độ linh hoạt cũng như năng động trong kinh doanh tốt hơn so với Vietcombank mà lại nhận xét rằng giá Vietcombank nhất thiết phải cao hơn giá ACB thì không chính xác.

Ông này cho rằng, khi cân nhắc mức giá mua nên so sánh giá dựa vào chỉ số P/E chứ không đơn thuần dựa vào các phân tích mang tính định tính.

Trên thực tế, mặc dù việc so sánh dựa trên chỉ số P/E có cơ sở nhưng rất nhiều nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đưa ra quyết định không dựa trên chỉ số P/E. Một trong những ví dụ là việc HSBC Insurance đã mua Bảo Việt ở mức giá mà P/E lên tới gần 70 (P/E tính trên mức thu nhập của năm 2006).

Tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ nội địa lớn nhận xét: "Việc so sánh giữa ACB với Vietcombank là rất buồn cười bởi đó là 2 ngân hàng có nhiều điều kiện rất khác nhau. Vietcombank là ngân hàng nhà nước hoàn toàn với rất nhiều đặc quyền, còn ACB là ngân hàng cổ phần với sự năng động và hiệu quả. Chỉ số P/E không phải là tất cả khi đánh giá về tương quan giá cổ phiếu 2 ngân hàng này".

Tuy nhiên, ông này vẫn đưa ra nhận xét: "Một thế mạnh đặc biệt mà Vietcombank có được đó là thị phần. Thị phần của Vietcombank sẽ là một nhân tố quan trọng khiến các nhà đầu tư phải cân nhắc kể cả nhà đầu tư nước ngoài".

Ông này không đưa ra các bình luận về mức giá cụ thể của Vietcombank so với ACB với lý do "không có các thông tin cụ thể từ cáo bạch chính thức".

Thị trường sẽ ra sao?

Vị tổng giám đốc công ty quản lý quỹ nói trên cũng nhận xét: "Dù có sự khác nhau về điều kiện nhưng chắc chắn mức giá của Vietcombank sẽ cao, đồng thời cũng tác động mạnh đến thị trường". Ông này nói: "Chắc chắn đây sẽ là một cú hích mạnh cho thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển theo hướng tốt hơn".

Ông Lâm Đạo Thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán Phương Đông nhận xét: "Cũng khó có thể đoán được chính xác diễn biến của thị trường với đợt IPO khoảng 1.000 tỉ đồng mệnh giá của Vietcombank.

Tuy nhiên, điều có thể khẳng định là thị trường sẽ sôi động hơn với đợt IPO này. Nhiều quỹ đầu tư trong nước, nhiều công ty tổ chức đầu tư trong nước, các nhà đầu tư cá nhân... cũng rất mong chờ đợt IPO của ngân hàng này".

Theo Hoàng Ly
Báo Thanh niên