1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giá hàng điện tử sau WTO: nhà sản xuất nói gì?

Những chương trình khuyến mãi giảm giá rầm rộ bắt đầu từ tháng 11 và đang nóng hơn vào tháng 12 này khiến nhiều người tiêu dùng cho rằng cơ hội mua hàng giá rẻ đang đến. Còn phía nhà sản xuất nói gì?

Vừa qua, đại diện một số tập đoàn điện tử tại Việt Nam đã gặp gỡ và trao đổi quanh chủ đề: giá hàng điện tử có thực sự rẻ hơn sau khi Việt Nam gia nhập WTO?

Theo phân tích của những nhà bán lẻ, nhà sản xuất, hàng giảm giá chủ yếu là mẫu cũ hoặc đã ngưng sản xuất, bị lỗi nhỏ, hàng tồn kho, hoặc do chiến lược riêng của người bán lẻ chấp nhận “bán lỗ” một số mặt hàng nào đó, và cũng là cách giải phóng kho, chuẩn bị cho lô hàng sắp tới.

Phổ biến nhất là mua tivi LCD được tặng quà, khuyến mãi... đến hàng chục triệu đồng vì lượng khách chọn loại này ở các trung tâm chỉ đếm trên đầu ngón tay/tuần. Hoặc nơi nào cũng có các loại bàn ủi, máy sấy tóc, bình lọc nước... của nhãn hiệu B giảm hơn 50%.

Ông Yujinatori, đại diện tập đoàn Sanyo nói: “Trung tâm kinh doanh lớn bán giá rẻ để đánh bóng tên tuổi, nhà sản xuất có hỗ trợ một phần chứ không phải là giảm giá bán lẻ!”. Mỗi nơi sẽ chọn một số mặt hàng, giảm giá đặc biệt để tạo thành sự kiện bán hàng, thu hút người tiêu dùng.

Còn ông Trần Quang Phát, phó tổng giám đốc công ty Sony Việt Nam đánh giá: “Khi Việt Nam vào WTO, người tiêu dùng có nhiều sản phẩm, nhãn hiệu để lựa chọn hơn vì mức giảm thuế chủ yếu ảnh hưởng đến hàng nhập nguyên chiếc từ các nước ngoài khu vực ASEAN. Các công ty sẽ phải sản xuất thêm nhiều chủng loại mới, theo tiêu chuẩn toàn cầu”.

Nhưng, nguyên nhân sâu xa hơn, theo ông Vũ Quốc Tuấn (hãng Sony Việt Nam), đó là vòng đời của các sản phẩm điện máy điện tử ngày càng ngắn, số lượng các nhà cung cấp, các hãng tham gia thị trường ngày càng nhiều đang khiến cho lượng hàng tồn kho, hàng lỗi mốt càng nhiều và chu kỳ xuất hiện nhanh hơn.

Ông Nguyễn Quang Huy, trưởng phòng kinh doanh tiếp thị công ty Toshiba nhìn nhận, vào WTO có lợi cho phát triển kinh tế, mang lại nhiều cơ hội lựa chọn hàng hóa với giá rẻ, nhiều chủng loại đối với người tiêu dùng. Nhưng trong tương lai gần, các nhà sản xuất đối diện với cạnh tranh gay gắt hơn.

Đại diện các nhà sản xuất đều có chung nhận định: khu vực Đông Nam Á đang là cứ điểm của nhiều tập đoàn sản xuất lớn, mức thuế suất nhập khẩu của Việt Nam khi gia nhập AFTA đã là 5%, các nhãn hiệu có thể mở rộng dãy sản phẩm để cạnh tranh và giữ thị phần, còn giá chỉ có thể xuống thấp hơn khi sức mua của thị trường tăng cao, sản lượng các nhà máy tại Việt Nam tăng lên.

Như vậy, nhà sản xuất khẳng định không có chuyện giảm giá mà chỉ là "hỗ trợ" giá một số loại sản phẩm tại các trung tâm điện máy. Có hay không, cứ để thị trường tự trả lời.

Theo Bích Nga
Báo SGTT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm