Giá đường cao, nhập lậu đường tăng mạnh

Báo cáo nhanh của các lực lượng chống buôn lậu các tỉnh biên giới Tây Nam cho biết, lợi dùng tình hình lũ đầu nguồn Đông bằng sông Cửu Long đang lên, nhập lậu đường từ Thái Lan, Campuchia... có dấu hiệu gia tăng mạnh.

Theo các đơn vị quản lý thị trường, hiện nay, đường lậu thường được các cơ sở sản xuất tư nhân vùng biên giới nhập về để phục vụ sản xuất nước giải khát, bánh kẹo... hoặc được chuyển thẳng về trung tâm lớn ở TPHCM để tiêu thụ.

 

Theo nhận định của Bộ Thương mại, từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu thụ đường của Việt Nam tiếp tục tăng, tính chung cả năm 2005, Việt Nam thiếu khoảng 150.000 tấn đường và giải pháp duy nhất là phải nhập khẩu đường. Đến hết tháng 8, Bộ Thương mại đã cho phép nhập khẩu hơn 90.000 tấn đường. Mới đây nhất, Bộ Thương mại tiếp tục cho phép nhập thêm 40.000 tấn đường thô về tinh luyện hoặc nhập khẩu 30.000 ngàn tấn đường tinh để tiêu dùng trong nước.

Trong thời gian gần đây, qua kiểm tra tại một cơ sở sản xuất nước giải khát ở Kiên Giang đã phát hiện một lượng đường nhập lậu lên đến hơn 4.200 kg; tại An Giang, mới đây cũng đã bắt được một vụ vận chuyển 3 tấn đường nhập lậu trên đường đi tiêu thụ.

 

Hình thức buôn lậu đường chủ yếu là tập trung đường ở bên kia biên giới, nhân lúc sơ hở trong quản lý, lợi dụng nước lũ  dùng xuồng, ghe chở về Việt Nam, sau đó đưa nhập tại các đầu mối.

 

Theo phản ánh của lực lượng chống buôn lậu thì tình hình buôn lậu đường đã tăng gấp nhiều lần so với thời điểm trước đây, quy mô vận chuyển cũng lớn hơn. Đặc biệt, do lợi nhuận nên nhiều người dân cũng đã tham gia buôn lậu đường bằng cách mang vác và chở thuê cho các chủ hàng.

 

Hiện nay, giá đường trong nước rất cao, gần 9 ngàn đồng/kg, trong khi đó, giá đường nhập lậu tại biên giới Camphuchia chỉ khoảng 6.000 đồng. Chênh lệch giá quá lớn cộng với thiếu đường trong nước là nguyên nhân chính khiến tình hình buôn lậu đường diễn biến phức tạp.

 

Đường nhập lậu khi qua khỏi biên giới vào đến các đầu mối thu mua ở các tỉnh đã lên khoảng 6.500 - 7.000 đồng/kg, nếu đưa về được chợ đầu mối TPHCM bán với giá 7.500 - 7.800 đồng/kg - thấp hơn nhiều so với giá đường trong nước nên bán khá chạy. Càng đưa được đường vào sâu nội địa, càng thu lợi nhuận cao.

 

Hiện nay, sản xuất đường trong nước đang gặp nhiều khó khăn nên giá thành sản xuất cao hơn từ 20 - 40% so Thái Lan. Trong khi đó nhu cầu đường trong nước tăng cao lên đến 1,2 triệu tấn trong năm 2005 và nguồn cung bị thu hẹp đã đẩy giá đường trong nước tăng tới 48% so với mức tăng 15,4% của thế giới.

 

Theo VietNamNet