1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Giá điện bậc thang: Cải tiến thế nào để giảm “nhảy tiền”, tăng sốc?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, khi xử lý được chênh lệch giá giữa các bậc thang phù hợp sẽ giảm thiểu được "nhảy tiền" một cách đột biến ở những tháng nắng nóng, sử dụng nhiều.

Cải tiến nhưng không được làm tăng giá điện bình quân

Sau khi tiếp thu ý kiến giới chuyên gia, dư luận về dự thảo biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương đã rút phương án điện một giá.

Bộ Công Thương tiếp tục xin ý kiến phương án 1 về cải tiến giá điện bậc thang cho các khách hàng sinh hoạt nhằm giảm bớt số bậc thang cho đối tượng khách hàng sinh hoạt từ 6 bậc xuống 5 bậc.

Giá điện bậc thang: Cải tiến thế nào để giảm “nhảy tiền”, tăng sốc? - 1

Tại tọa đàm “Giá bán lẻ điện sinh hoạt, mức nào là hợp lý?” diễn ra ngày 20/8, ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam - ủng hộ việc rút dần 6 bậc thang hiện nay xuống còn 3, 4 hoặc 5 bậc.

Việc ghép các bậc lại với nhau theo ông Thoả, để tăng khoảng cách tiêu thụ điện hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế sử dụng điện hiện nay giữa các nhóm khách hàng dùng điện.

Ông Thoả cũng nhấn mạnh khi cải tiến biểu giá, cơ quan soạn thảo phải giải thích rõ ràng về phương pháp sắp xếp bậc, cơ sở và các căn cứ sắp xếp khoảng cách giữa các bậc.

Cũng theo chuyên gia này, khi cải tiến biểu giá điện sinh hoạt, Bộ Công Thương cần nghiên cứu kỹ lưỡng để không làm tăng giá bình quân hiện hành.

Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân được Thủ tướng Chính phủ duyệt trong đợt điều chỉnh giá hồi tháng 3/2019 là 1864.44 đồng/kWh, trong đó giá bình quân của biểu giá điện sinh hoạt là 2.018 đồng/kWh.

Giá điện bậc thang: Cải tiến thế nào để giảm “nhảy tiền”, tăng sốc? - 2

Chuyên gia cho rằng cần rút giá điện 6 bậc thang hiện nay xuống còn 3, 4 hoặc 5 bậc, tốt nhất là 3 bậc; ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách tiêu thụ điện hợp lý.

Khi xử lý được chênh lệch giá giữa các bậc thang phù hợp, ông Thoả sẽ cho rằng sẽ giảm thiểu được “nhảy tiền” đột biến trong thời gian tiêu thụ nhiêu điện.

Tuy nhiên vị chuyên gia cũng lưu ý rằng, điều này chỉ giảm thiểu "nhảy tiền" đột biến, còn khi chấp nhận biểu giá điện bậc thang thì không tránh khỏi việc “nhảy tiền" ở những tháng dùng nhiều.

Nhiều chuyên gia muốn áp dụng điện một giá

Ông Nguyễn Minh Duệ - nguyên Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Năng lượng (Đại học Bách Khoa) - cũng cho rằng biểu giá điện sinh hoạt cần tiếp tục cải tiến.

Theo vị chuyên gia, điều chỉnh giá điện thời gian qua mới chỉ chú ý đến các yếu tố làm tăng chi phí, mà chưa quan tâm đến yếu tố làm giảm chi phí như mùa nước, tăng công suất các nhà máy thuỷ điện, giảm tổn thất…

Giải pháp để có giá điện hợp lý, theo ông Duệ, trước tiên phải thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường có điều tiết của Nhà nước; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng điện - yếu tố quan trọng để giảm giá điện.

Liên quan tới phương án giá điện 5 bậc, ông Huệ cho rằng cần phải tính toán, xem xét kỹ lưỡng. Các hộ dùng trên 200 kWh đang phải trả quá cao, lớn hơn giá bình quân.

Trong khi đó theo vị này, có nhiều hộ tiêu thụ điện nhiều không phải nhà giàu - vì có thể họ nhiều thế hệ, đông nhân khẩu. Ngược lại nhiều người tiêu thụ điện ít nhưng không phải là hộ nghèo. 

Nếu chuyển sang biểu giá bán lẻ điện 5 bậc thang, ông Duệ đề nghị nghiên cứu mức tăng vừa phải để vừa có lợi cho doanh nghiệp điện và người tiêu dùng có thể chấp nhận được. Trước khi công bố, cần có sự góp ý của các cơ quan, nhà khoa học, có thẩm định của cơ quan có trách nhiệm quản lý giá.

Trong khi đó, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh băn khoăn khi mức giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt hiện hành theo quy định là 1.864,44 đồng/kWh, tuy nhiên biểu giá chỉ có 1 bậc dưới mức giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt được quy định. Còn lại các bậc thang khác đều có mức giá trên mức bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã được Chính phủ quy định, thậm chí bậc 4, 5 rất cao.

"Bộ Công Thương cũng cần giải thích vì sao lại đưa ra những con số này. Điều này làm cho giá bán lẻ bình quân thực tế cao hơn giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã được Chính phủ quy định" - ông Thịnh đặt vấn đề.