1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Tại sao giá dầu lại cắm đầu đi xuống, rớt ngưỡng 100 USD?

Nhật Linh

(Dân trí) - Giá dầu thế giới đã đồng loạt giảm xuống dưới ngưỡng 100 USD khi triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu hơn.

Ngày 12/7, giá dầu WTI của Mỹ đã giảm 7,9% xuống mức 95,84 USD/thùng, trong khi dầu Brent cũng giao dịch ở mức 99,49 USD/thùng, giảm 7,1%. Tuần trước, dầu Brent cũng đã rớt ngưỡng 100 USD/thùng trong thời gian ngắn trước khi phục hồi trở lại.

Tuy nhiên, chốt phiên hôm qua (13/7), giá dầu đã nhích nhẹ khi các số liệu lạm phát nóng được công bố, củng cố cho một đợt tăng lãi suất lớn nữa của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo đó, giá dầu Brent đã nhích thêm 8 cent lên 99,57 USD/thùng, dầu WTI ở mức 96,30 USD/thùng, tăng 46 cent. Tuy vậy, cả hai loại dầu này vẫn giao dịch dưới mốc 100 USD/thùng.

Tại sao giá dầu lại cắm đầu đi xuống, rớt ngưỡng 100 USD? - 1

Giá dầu thế giới đã đồng loạt giảm xuống dưới ngưỡng 100 USD khi triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu hơn (Ảnh: Reuters).

Giá dầu Brent đã giảm mạnh kể từ khi đạt mức 139 USD/thùng vào tháng 3 khi nhà đầu tư lo ngại đợt tăng mạnh lãi suất để ngăn chặn lạm phát sẽ khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại và tác động đến nhu cầu tiêu thụ dầu.

Giá xăng tại thị trường Mỹ cũng đang giảm, dù phải mất một tuần nữa người tiêu dùng mới được hưởng lợi từ sự sụt giảm của giá dầu lần này. Theo Hiệp hội ô tô Mỹ (AAA), giá xăng trung bình trên toàn nước Mỹ hiện giảm còn 4,631 USD/gallon. Mức giá này đã giảm 14% trong tuần qua và 35% trong tháng qua nhưng vẫn cao hơn khoảng 1,5 USD/gallon so với năm ngoái.

Theo New York Times, triển vọng kinh tế Trung Quốc, vốn đã chậm lại do các đợt phong tỏa để ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19, cùng với những dấu hiệu suy giảm kinh tế toàn cầu ngày càng tăng dường như là nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm mạnh. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và là nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ.

Ngoài ra, trong khi nhu cầu có thể suy yếu hơn thì nguồn cung vẫn đang chống chọi với những căng thẳng do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

"Chúng ta đã qua thời điểm thị trường thắt chặt nhất và tôi nghĩ rằng từ đây chúng ta sẽ chứng kiến tồn kho dầu tăng lên và giá được tiết chế", ông Michael Lynch - Chủ tịch của công ty nghiên cứu Strategic Energy & Economic Research - nhận định. Theo ông, Trung Quốc là một phần lớn trong số đó và họ đã dự trữ được nhu cầu dầu trong 10 năm.

Tuy nhiên, ông Thomas Saal, Phó Chủ tịch cấp cao của StoneX Financial, cho rằng xu hướng tăng vẫn chưa kết thúc. "Mức tồn kho vẫn ở mức thấp trên toàn cầu và đó vẫn là một yếu tố quan trọng trong lần tăng giá này".

Theo The New York Times, Reuters