Giá dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh

(Dân trí) - Giá dầu lại giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm qua (20/1) khi các nhà đầu tư lo ngại về sự dư thừa “vàng đen” toàn cầu giữa lúc triển vọng nền kinh tế thế giới xấu đi.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Đóng cửa phiên đêm qua tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX), giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 2 giảm 2,3 USD/thùng, tương đương giảm 4,7%, còn 46,39 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu thô Brent đóng cửa giảm 0,85 USD/thùng, tương đương giảm 1,7%, còn 47,99 USD/thùng.

Tuần trước, giá dầu thế giới hồi phục nhẹ sau mấy tuần liên tục giảm và có lúc xuống ngưỡng 45 USD/thùng, rẻ nhất trong gần 6 năm.

Từ giữa năm ngoái tới nay, dầu thô mỗi ngày một rẻ đi khi nguồn cung trở nên thừa mứa mà các nước sản xuất dầu một mực không hạ sản lượng khai thác. Tình trạng dư thừa dầu của thế giới hiện nay chủ yếu xuất phát từ sản lượng dầu gia tăng, đặc biệt là sản lượng dầu đá phiến của Mỹ.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, mối lo về nhu cầu tiêu thụ yếu đi cũng là một nhân tố quan trọng gây áp lực lớn lên tâm lý của giới đầu tư vào thời điểm hiện tại.

Hôm qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu với mức cắt giảm mạnh nhất trong 3 năm, làm gia tăng những quan ngại về việc nhu cầu dầu của thế giới không thể đuổi kịp nguồn cung.

Theo định chế này, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,5% trong năm 2015 và tăng 3,7% trong năm 2016. Hai con số dự báo này đều thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo mà IMF đưa ra trước đó.

Mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu gia tăng thêm khi hôm qua, Trung Quốc công bố thống kê cho thấy GDP của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới trong năm 2014 tăng trưởng 7,4%, chậm nhất trong 24 năm. Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới và là nước nhập khẩu nhiều dầu hơn bất kỳ quốc gia nào.

“Giá dầu giảm vì các điều kiện kinh tế vẫn chưa thay đổi. Dầu thô sẽ còn dư thừa, và cho tới khi điều này thay đổi, cơ hội giá dầu phục hồi là rất thấp”, nhà phân tích Jameel Ahmad của FXTM phát biểu.

Chưa kể, sức ép giảm giá dầu còn gia tăng khi có tin sản lượng dầu của Iraq đã lên tới mức kỷ lục trong tháng 12 vừa qua.

Theo giới phân tích, giá dầu đang bị đẩy xuống từ cả hai phía là nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ. Từ tháng 6 năm ngoái tới nay, giá dầu đã “bốc hơi” khoảng 60%.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất, IMF cho rằng, giá dầu giảm là một tin tốt đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp ở các nước nhập khẩu dầu, nhưng tác động tích cực này không bù lại nổi tác động tiêu cực từ hoạt động đầu tư suy giảm và đồng USD tăng giá.

“Giá dầu giảm có tác dụng tích cực trong ngắn hạn, nhưng không đủ để bù đắp cho sự yếu kém của nền kinh tế toàn cầu”, chuyên gia kinh tế trưởng Olivier Blanchard của IMF phát biểu với tờ Wall Street Journal.

Theo tờ báo này, nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới hiện ở mức 93 triệu thùng/ngày, thấp hơn ít nhất 1,5 triệu thùng/ngày so với nguồn cung.

“Nền kinh tế toàn cầu tiếp tục suy yếu, và giá dầu đang tiếp tục đi theo hướng mà rốt cục sẽ buộc sản lượng dầu của Mỹ phải giảm”, nhà phân tích hàng hóa cơ bản Matt Smith thuộc công ty tư vấn Schneider Electric đánh giá.

Giá xăng giao tháng 2 tại Mỹ hôm qua giảm 4,6 cent, tương đương giảm 3,4%, còn 1,3128 USD/gallon, tương đương khoảng 7.400 đồng/lít. Giá dầu diesel giao tháng 2 giảm 3,9 cent, tương đương giảm 2,3%, còn 1,6266 USD/gallon, tương đương khoảng 9.200 đồng/lít.

Phương Anh
Tổng hợp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”