Giá dầu khí "nóng bỏng", siêu dự án 10 tỷ USD của Việt Nam khởi công?
(Dân trí) - Chỉ cần giá dầu ổn định trên 60-70 USD/thùng thì Việt Nam có điều kiện thuận lợi để khai thác các mỏ dầu khí hiện tại cũng như triển khai các dự án dầu khí mới.
Dự báo giá dầu trung bình năm nay ở 95 USD/thùng
Giá dầu Brent trong vài ngày trước đã có những thời điểm được giao dịch trên mốc 130 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 7/2008 trước khi hạ nhiệt về dưới mốc 110 USD. Tuy vậy, giá dầu vẫn đang neo trên mức 100 USD/thùng.
Trong báo cáo chuyên đề về giá dầu vừa được SSI Research công bố, các chuyên gia tại đây cho rằng, sự tăng mạnh của giá dầu kết hợp của nhiều nguyên nhân, nhưng yếu tố chính phải kể đến đó là căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine, theo sau bởi lệnh cấm vận đối với dầu của Nga và việc Nga đe dọa ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Thêm vào đó, nhu cầu đang phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19 trong khi nguồn cung đang được kiểm soát một cách thận trọng (OPEC+ bám sát với kế hoạch sản lượng dầu theo cuộc họp gần đây trong tháng 3), còn sản lượng dầu bổ sung từ Iran có thể phải mất vài tháng để đưa ra thị trường.
Các tổ chức lớn trên thế giới đều có dự báo khá lạc quan về triển vọng của giá dầu năm 2022. Nguồn cung dầu khí trong những năm gần đây đã không tăng mạnh do chiến lược giảm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch và tăng đầu tư cho năng lượng tái tạo trong khi nhu cầu nhiên liệu tăng mạnh.
Theo OPEC, tổng số giàn khoan đang hoạt động trong 2021 đã vượt năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với năm 2019. Do các hoạt động đầu tư đã chuyển hướng sang nhiên liệu xanh, đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch đã giảm trong những năm gần đây. Do đó, tình trạng dư cung có thể không xảy ra trong ngắn hạn, điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá dầu.
Trong một số báo cáo gần đây, Goldman Sachs đưa ra dự báo giá dầu trung bình có thể đạt 100 USD/thùng trong năm 2022 và 105 USD/thùng trong năm 2023. Theo JP Morgan, nếu thị trường bắt đầu phản ứng về khả năng Nga có thể trả đũa bằng cách giảm lượng xuất khẩu, dầu Brent có thể đạt mức trung bình là 115 USD/thùng trong quý II, 105 USD/thùng trong quý III và 95 USD/thùng trong quý IV.
Nhóm phân tích cũng lưu ý, "giá dầu luôn nhạy cảm với tin tức chính trị hay dịch bệnh". Yếu tố hỗ trợ dài hạn cho giá dầu là nhu cầu tăng, đặc biệt là từ ngành hàng không (các quốc gia khác phục hồi/mở cửa trở lại). Trong khi yếu tố hỗ trợ ngắn hạn cho giá dầu là xung đột giữa Nga - Ukraine.
Theo đó, nhóm phân tích nâng giả định giá dầu lên mức 95 USD/thùng, cao hơn 34% so với cùng kỳ sau khi tính đến đợt tăng giá gần đây của giá dầu.
Giá trung bình được tính từ giá giả định theo quý như sau: quý I và quý II, giá dầu trung bình sẽ duy trì 100 USD/thùng trước khi hạ nhiệt vào quý III với mức 95 USD và quý IV là 85 USD/thùng. Theo SSI Research, chu kỳ tăng của giá dầu đã bắt đầu, mở ra triển vọng lạc quan hơn cho ngành dầu khí.
Tiến độ các dự án lớn
Cập nhật về các dự án lớn tại Việt Nam, nhóm phân tích cho hay, dự án LNG Thị Vải - dự án LNG đầu tiên tại Việt Nam - đã hoàn thành trên 90% tiến độ xây dựng kho chứa LNG trong giai đoạn 1.
Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đóng vai trò là nhà đầu tư kho chứa và đường ống. Việt Nam có thể nhập khẩu LNG lần đầu tiên vào tháng 11 năm nay để bù đắp cho sản lượng thiếu hụt tại bể ngoài khơi Nam Côn Sơn. LNG sẽ là nguồn nguyên liệu chính cho nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 dự kiến bắt đầu từ 2023.
Tại dự án Mỏ Sư Tử Trắng - giai đoạn 2A, dòng khí đầu tiên khai thác từ mỏ này (ở Block 15.1) đã vào bờ ngày 18/6/2021. Mỏ Sư Tử Trắng - giai đoạn 2A bao gồm 3 giếng với tổng trữ lượng khí là 5,5 tỷ m3 và 63 triệu thùng condensate sẽ được khai thác từ 2021 - 2025.
Hợp đồng thăm dò dầu khí tại Block 15.1 đã được ký kết bởi PetroVietnam, PVEP, Perenco, KNOC, SK, Geopetrol và do Cửu Long JOC vận hành. Nguồn khí từ mỏ Sư Tử Trắng - giai đoạn 2, Sao Vàng - Đại Nguyệt, Thiên Ưng, Đại Hùng được thiết kế để dẫn qua đường ống Nam Côn Sơn 2 - giai đoạn 2 với tổng công suất đường ống đạt 7 tỷ m3/năm.
Dự kiến Sư Tử Trắng - Giai đoạn 2B sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024 với sản lượng khí hàng năm đạt 2 tỷ m3 trong vòng 10 năm.
Đối với Lô B - Ô Môn, SSI Research nhận thấy một số tín hiệu cho thấy Chính phủ vẫn ưu tiên siêu dự án này. Một trong những động thái tích cực là tài trợ dự án Nhà máy điện Ô Môn III qua nguồn vốn ODA, theo Nghị định 114/2021/NĐ-CP và Luật Đầu tư 2020.
"Quyết định tài trợ dự án nhà máy điện này có thể mở đường cho dự án Lô B - Ô Môn nhận quyết định đầu tư cuối cùng (FID) vào cuối năm 2022. Chúng tôi kỳ vọng dự án sẽ khởi công trong 2022 - 2023 để cho dòng khí đầu tiên vào 2025" - chuyên gia công ty chứng khoán trên nhận định.
Theo ước tính của nhóm phân tích, dự án khởi công vào 2022- 2023 và cho dòng khí đầu tiên vào 2025.
Dự án này có tổng vốn đầu tư "khủng" tới 10 tỷ USD, trong đó giá trị đơn hàng tồn đọng (backlog) mảng EPC là 4,6 tỷ USD. Thượng nguồn (upstream) có 911 giếng khai thác, một giàn xử lý trung tâm, một giàn nhà ở, 52 giàn đầu giếng và một tàu FSO. Đường ống ngoài khơi và trên bờ tương ứng dài 292 km và 102 km. Dự án có 4 nhà máy điện khí bao gồm Ô Môn 1 (660 MW), Ô Môn 2,3,4 (mỗi ngày máy 1.050 MW).
Đối với các dự án khí hóa lỏng (LNG), theo quy hoạch ngành công nghiệp khí đến năm 2035, nhu cầu tiêu thụ khí ở Việt Nam sẽ đạt 23-31 tỷ m3, trong đó nguồn cung khí thiên nhiên là khoảng 17 - 21 tỷ m3, phần còn lại sẽ được đáp ứng bằng LNG nhập khẩu.
Chính phủ đặt mục tiêu nâng tỷ trọng nguồn điện khí để đạt được mục tiêu giảm khí thải. Trong dự thảo quy hoạch điện 8 được công bố vào tháng 11/2021, công suất điện khí sẽ được nâng lên gần 55 GW trong năm 2035 (trong đó điện khí từ LNG là 40 GW), tăng rất mạnh so với tổng công suất điện khí ở mức hiện tại là 9 GW vào cuối năm 2021.
Giá dầu tăng mạnh nhưng 2021 không phải năm bận rộn của thăm dò, khai thác
Theo quan điểm của nhóm phân tích, môi trường giá dầu ổn định và duy trì trên 60-70 USD/thùng sẽ là điều kiện thuận lợi để Việt Nam khai thác các mỏ dầu khí hiện tại cũng như triển khai các dự án dầu khí mới.
Trong giai đoạn 2016 - 2021, hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí (E&P) của Việt Nam không sôi động, nguyên nhân chính là các mỏ gần bờ có trữ lượng lớn như Bạch Hổ (mỏ dầu), Block 6.1 (Lan Tây, Lan Đỏ), Block 11.2 và Chim sáo đang đến những năm cuối của vòng đời khai thác. Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng nhiều đến việc triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN cũng như các đơn vị thành viên.
Mặc dù giá dầu tăng mạnh trong 2021 nhưng đây không phải là năm bận rộn của hoạt động thăm dò và khai thác tại Việt Nam.
Về sản lượng tiêu thụ khí, đợt bùng phát Covid-19 và giãn cách xã hội khiến nhu cầu từ nhà máy điện khí cũng như khu công nghiệp giảm. Do đó, sản lượng khí chỉ ở mức 7,1 tỷ m3 trong năm 2021, giảm 20% so với cùng kỳ. Thị trường khí tự nhiên trong nước chuyển từ thiếu cung sang thừa cung trong 2020-2021 do dịch bệnh.
Năm 2021, tổng sản lượng khai thác dầu thô đạt 10,97 triệu tấn, giảm 5% so với cùng kỳ, khi các mỏ trữ lượng cao hiện tại dần cạn kiệt. Về hoạt động khai thác, không có hoạt động thăm dò lớn trong năm 2021 (năm 2020, Việt Nam đã thăm dò thành công mỏ Kèn Bầu 2x - đây là tìm kiếm có sản lượng lớn nhất Đông Nam Á trong 2 thập kỷ qua, theo Wood Mackenzie).