1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giá cước vận tải tăng giá mạnh quý đầu năm

(Dân trí) - CPI ba tháng đầu năm nhích nhẹ, nhưng chủ yếu do cầu lương thực thấp và không có nghĩa là giá vận tải, chi phí đầu vào hạ nhiệt. Doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn chịu sức ép chi trả lớn.

Giá cước vận tải tăng giá mạnh quý đầu năm

Giá cước vận tải hành khách đội giá mạnh trong 3 tháng đầu năm (ảnh minh họa).

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá cước vận tải trong quý I năm nay đã tăng 5,94% so với quý IV/2011 và tăng 18,71% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, phần tăng giá mạnh phải kể đến cước vận tải hành khách khi “đội giá” lên hơn 11% và tăng 33,05% so cùng kỳ. Tin này hoàn toàn không vui vẻ gì với đại bộ phận người dân khi di chuyển vẫn là nhu cầu thiết yếu để phục vụ công việc, giải trí và du lịch. Trong khi đó, giá cước vận tải hàng hóa tăng 1,78%.

Những doanh nghiệp kinh doanh vận tải, logistic thời gian này cũng không khỏi không “ngán” bởi chi phí dịch vụ kho bãi và hỗ trợ vận tải cũng tăng 4,21%. Đắt đỏ nhất phải kể đến giá cước vận tải hàng không khi đẩy giá lên gần 20% trong khi đường sắt cũng tăng giá 6%, đường bộ 2%, đường thủy 2,5%. 

Dự báo trong thời gian tới, giá vận tải sẽ còn chịu áp lực nặng nề hơn khi mà đầu tháng 3, giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng, kỳ tính tiếp theo lại bắt đầu từ 15/3 – và từ thời điểm này được cho là “xăng dầu mới bắt đầu ngấm vào CPI”. 

Kết thúc quý I, CPI chỉ tăng 15,95% so với bình quân cùng kỳ năm 2011. Và theo đánh giá chung thì giá cả hàng hóa ba tháng đầu năm có xu hướng tăng chậm lại. 

Trong chỉ số giá tiêu dùng chung của tháng 3, mức điều chỉnh tăng giá xăng, dầu gần 10% mới chỉ tác động làm chỉ số giá tăng khoảng 0,08%. 

Tuy nhiên, đây là tháng sau Tết Nguyên đán nên nhu cầu tiêu dùng lương thực và thực phẩm không cao như một vài tháng trước, cùng với nguồn cung khá dồi dào nên mức tăng của chỉ số giá nhóm hàng này giảm mạnh. Do đó, với tỷ trọng lớn của nhóm lương thực, thực phẩm trong rổ hàng hóa, dịch vụ thì đây là yếu tố chủ yếu góp phần làm mức tăng CPI tháng 3 giảm – không có nghĩa là tình hình giá cả ở những mặt hàng khác đang hạ nhiệt.

Doanh nghiệp chồng chất khó khăn

Theo thống kê thì chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất quý I tăng 2,31% so với quý trước và tăng 18,92% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất của một số ngành tăng cao so với quý trước có sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; dệt, trang phục, da; khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí.

Trong khi đó, tình trạng tồn kho cũng không mấy cải thiện. Cầu thị trường yếu nên hàng sản xuất ra bỏ ngỏ, không bán được.

Đến thời điểm 1/3, tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 34,9% so với cùng thời điểm năm trước. 

Ngoài ra, còn một số ngành có chỉ số tồn kho tăng khá cao là chế biến và bảo quản rau quả tăng tới 87,2%, sản xuất phân bón; sắt, thép, xi măng vôi, vữa; các sản phẩm thuốc lá, thuốc lào đều có lượng tồn kho tăng trên 50%.

Thời gian vừa qua, lãi suất huy động đã được điều chỉnh giảm tạo tiền đệ hạ lãi suất cho vay. Song theo nhiều phản ánh thì thực tế, nguồn vốn ngân hàng giá rẻ vẫn chưa đến được tay doanh nghiệp.

Khi mà giá đầu vào vẫn cao, chi phí vận tải lên giá và hàng sản xuất ra vẫn “ế” thì số lượng doanh nghiệp buộc xin dừng hoạt động, khóa mã số thuế… trong thời gian tới dự báo vẫn còn tăng.
 
Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm