Giá cà phê, tiêu giảm sâu khiến nông dân và doanh nghiệp “kiệt quệ”
(Dân trí) - Năm nay cà phê mất mùa do thiên tai cộng với giá thấp khiến bà con nông dân không có nhiều chi phí đầu tư. Không chỉ có cà phê mà giá tiêu hạt cũng đang đi xuống, đạt mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Giá cà phê giảm sâu do dịch bệnh và thiên tai
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, tháng 10/2020, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 90.000 tấn cà phê với giá trị khoảng 167 triệu USD.
Trong 10 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 1,34 triệu tấn cà phê với giá trị xuất khẩu tương đương 2,32 tỷ USD. Các thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam vẫn là Mỹ, Đức và Italia. Trong đó, thị trường Đức tiêu thụ hơn 280 triệu USD, Mỹ tiêu thụ gần 200 triệu USD và Italia tiêu thụ gần 179 triệu USD.
Thị trường Ba Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc đang tăng cường việc nhập khẩu cà phê từ Việt Nam với giá trị nhập khẩu tăng từ 10% – 44%. Trong khi đó, thị trường Anh và Thái Lan đang có xu hướng giảm nhập cà phê của Việt Nam.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), tháng 10/2020, giá cà phê xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 1.852 USD/tấn, giảm 1,8% so với tháng 9/2020.
Tuy nhiên, cuối tháng 10/2020, cơn bão số 9 đổ bộ vào vùng sản xuất cà phê trọng điểm của Việt Nam trong mùa thu hoạch đã khiến giá cà phê Robusta tăng nhẹ.
Tại thị trường trong nước, so với tháng 9/2020, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tăng 500 - 600 đồng/kg lên mức 31.800 - 32.600 đồng/kg. Giá cà phê cao nhất là ở khu vực tỉnh Đắk Lắk và thấp nhất là tại khu vực tỉnh Lâm Đồng. Giá cà phê Robusta tại cảng TPHCM đạt mức cao nhất là 33.800 đồng/kg.
Bộ NN&PTNT nhận định, giá cà phê trong nước thời gian tới tiếp tục có xu hướng tăng bởi diễn biến phức tạp của thời tiết tại miền Trung, Tây Nguyên. Đây là nguyên nhân chính gây thu hẹp nguồn cung bởi cà phê chín muộn do mưa nhiều.
Bên cạnh đó, diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, lệnh giãn cách xã hội ở các nước trên thế giới thúc đẩy nhu cầu sử dụng cà phê tại nhà là yếu tố trợ giá cho cà phê Việt trong ngắn hạn.
Giá tiêu có thể đạt 414 triệu đồng/tấn nếu được sấy lạnh
Ông Phan Minh Thông, đại diện Phúc Sinh Group cho biết, hiện nay, thị trường cà phê đang có giá rất thấp. Tại sàn London (Anh), giá cà phê từ mức 1.700 USD/tấn xuống còn 1.150 USD/tấn. Giá giảm sâu đã khiến nông dân và doanh nghiệp “kiệt quệ”.
“Năm nay cà phê mất mùa do thiên tai cộng với giá thấp khiến bà con nông dân không có nhiều chi phí đầu tư. Không chỉ có cà phê mà giá tiêu hạt cũng đang đi xuống và đạt mức thấp nhất trong 10 năm qua”, ông Thông nói.
Theo ông Thông, xuất khẩu cà phê và tiêu của doanh nghiệp đang giảm khoảng 20%. Công ty chỉ mong chờ vào “sức bật” của thị trường trong 2 tháng cuối năm.
“Nhiều đơn vị xuất khẩu vẫn còn hàng trong kho từ tháng 3/2020 cho đến nay. Nhưng thế giới vô cùng rộng lớn, không bán hàng cho người này thì chúng tôi tìm cách bán cho người khác. Chúng tôi cũng tìm mọi cách để duy trì và làm tốt hơn. Khó khăn không có nghĩa là cản trở lớn khó vượt”, ông Thông chia sẻ.
Ông Thông lấy ví dụ, châu Âu đã xuất hiện sản phẩm tiêu theo công nghệ sấy khô hoặc sấy ướt nhưng tiêu sấy lạnh của doanh nghiệp là theo công nghệ sấy -60 độ C. Đây là phương pháp sấy rất mới. Chính vì vậy mà giá trị gia tăng của sản phẩm ứng dụng chế biến sâu này rất cao.
Hồ tiêu bình thường có giá 3.200 USD/tấn thì tiêu sấy lạnh bán ra với giá 16.000-18.000 USD/tấn, tức gấp 5 lần bình thường. Công nghệ đang giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Ngoài việc xuất khẩu nông sản, dịch Covid-19 đã khiến doanh nghiệp ông Thông “bước chân” vào ngành bán lẻ. Doanh nghiệp đã xây dựng sàn thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa.
Theo ông Thông, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực cũng là một lý do khiến doanh nghiệp xây dựng sàn thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa từ châu Âu. Việc giảm thuế suất ở nhiều ngành hàng sẽ giúp các sản phẩm chất lượng từ châu Âu đến tay người tiêu dùng Việt với giá rẻ hơn.