Ghi âm nhân viên ngân hàng tư vấn bảo hiểm: Khách có thoát cảnh bị ép mua?

Việt Đức

(Dân trí) - Chuyên gia Trần Nguyên Đán nêu quan điểm cơ quan quản lý cần sớm đưa ra định nghĩa cụ thể thế nào là hành vi ép buộc khách hàng mua bảo hiểm để xử lý các vấn đề trên thị trường bancassurance.

Trong dự thảo thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, một nội dung đáng chú ý là đề xuất toàn bộ nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm của nhân viên tổ chức tín dụng phải được ghi âm và lưu lại ít nhất 5 năm. Đồng thời, với các loại bảo hiểm liên kết đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm tra độc lập nội dung cung cấp thông tin và tư vấn của nhân viên ngân hàng trước khi phát hành hợp đồng.

Trao đổi với Dân trí, TS Trần Nguyên Đán - Giảng viên bộ môn bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính Đại học Kinh tế TPHCM - nhận định việc yêu cầu nhân viên ngân hàng ghi âm nội dung tư vấn bảo hiểm không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết những vấn đề nhiều khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng (bancassurance) than phiền.

Đầu tiên, kênh đại lý bảo hiểm thông thường không cần ghi âm nội dung tư vấn cho khách hàng. Như vậy, việc yêu cầu nhân viên ngân hàng khi tư vấn sản phẩm bảo hiểm sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các kênh phân phối.

Trong khi đó, hiện nay, các công ty bảo hiểm đều có tổng đài để thực hiện cuộc gọi xác nhận khách hàng đã được tư vấn về các quyền lợi, điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm. Ngoài ra, các ngân hàng cũng có thể sử dụng biểu mẫu in sẵn, khách hàng có thể ký xác nhận đã được tư vấn đầy đủ hoặc không.

Theo ông, vấn đề quan trọng nhất là cơ quan quản lý phải định nghĩa được những hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm để từ đó có biện pháp xử lý. "Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại không được ép khách hàng mua các loại bảo hiểm không cần thiết nhưng lại chưa có hướng dẫn cụ thể như thế nào mới là ép khách", ông Đán cho biết. 

Ghi âm nhân viên ngân hàng tư vấn bảo hiểm: Khách có thoát cảnh bị ép mua? - 1

Cuối tháng 11, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng xử lý nhân viên ép khách hàng mua các loại sản phẩm không cần thiết (Ảnh: Mạnh Quân).

Chuyên gia bảo hiểm này cho biết tại các nước, khi vay thế chấp, khách hàng được khuyến khích mua bảo hiểm sinh mạng. Trong trường hợp chẳng may gặp phải rủi ro, tai nạn, số tiền bảo hiểm đền bù sẽ được dùng để trả các khoản nợ của ngân hàng, gia đình người vay tránh được nguy cơ mất tài sản như nhà cửa, ngân hàng cũng thu hồi nợ dễ hơn vì không cần phải xử lý tài sản bảo đảm. Với hợp đồng vay tín chấp, khách hàng phải mua bảo hiểm sinh mạng vì trong trường hợp này nếu khách hàng gặp rủi ro, ngân hàng không có tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam hiện nay, khách hàng gặp tình trạng bị nhân viên ngân hàng ép mua bảo hiểm khi muốn vay thế chấp. Nhiều khách hàng đã có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ từ trước nhưng nhân viên ngân hàng vẫn yêu cầu mua thêm gói bảo hiểm khác khi vay vốn.

Theo ông Đán, hiện tượng nhân viên ngân hàng yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ mới dễ được giải ngân khoản vay, cho khách hưởng ưu đãi lãi suất trong năm đầu tiên với chi phí bằng số tiền phí bảo hiểm là hành vi cạnh tranh không lành mạnh với các đại lý bảo hiểm khác. Ngân hàng đang sử dụng lợi thế về khả năng cho vay để yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm, ảnh hưởng đến yếu tố cơ bản nhất của hợp đồng bảo hiểm là tính tự nguyện.

Do đó, chuyên gia này cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần phải đưa ra định nghĩa thế nào là ép khách hàng mua bảo hiểm. Cơ quan quản lý phải làm rõ các trường hợp yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm mới được giải ngân khoản vay hoặc mua bảo hiểm được nhận ưu đãi lãi suất có phải là hành vi có tính chất ép buộc khách hàng hay không. 

Khi đã có định nghĩa rõ ràng, cơ quan chức năng cần hướng dẫn khách hàng cách phản ánh khi rơi vào trường hợp bị ngân hàng ép mua bảo hiểm, có thể thông qua một đường dây nóng được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính quản lý. Cuối cùng, cần có chế tài cụ thể về việc xử phạt tổ chức tín dụng có hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm. 

Theo ông Đán, giải pháp trên mới có thể xử lý tận gốc vấn đề. Còn nếu chưa định nghĩa được các hành vi ép buộc khách hàng, việc ghi âm nội dung tư vấn không thể giải quyết được tình trạng nhức nhối trên thị trường bancassurance.