GDP 9 tháng tăng cao nhất trong 5 năm

(Dân trí) - Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng nay (29/9) cho hay, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2015 ước tính tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó, quý III tăng 6,81%. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Trong mức tăng 6,5% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,08%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,57%, đóng góp 3,12 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,17%, đóng góp 2,38 điểm phần trăm.

Kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm chịu nhiều tác động từ kinh tế thế giới (ảnh: Bloomberg)
Kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm chịu nhiều tác động từ kinh tế thế giới (ảnh: Bloomberg)

Riêng ngành nông nghiệp chỉ tăng 1,77%, đóng góp 0,23 điểm phần trăm, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết không thuận, giá cả một số vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp không ổn định và có xu hướng tăng nên sản lượng lúa đạt thấp (ước tính sản lượng lúa cả năm 2015 đạt 45,1 triệu tấn, chỉ tăng 0,3% so với năm 2014).

Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng trưởng 9,69% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng cùng kỳ của một số năm gần đây. Ngành xây dựng 9 tháng tăng 9%, là mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây .

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong khu vực dịch vụ, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng trưởng tốt với mức tăng 6,7%. Tính đến thời điểm 21/9/2015 tăng trưởng tín dụng tăng 10,78% so với cuối năm 2014. Hoạt động kinh doanh bất động sản cũng cải thiện hơn, đạt mức tăng 2,9% (cao hơn mức tăng 2,71% của cùng kỳ năm trước).

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 16,3%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33%; khu vực dịch vụ chiếm 40,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,1%.

Cơ quan thống kê đánh giá, kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2015 diễn ra trong bối cảnh thị trường toàn cầu có nhiều biến động mạnh: Thị trường hàng hóa quốc tế, đặc biệt là dầu thô giảm giá liên tục và giảm ở mức sâu trong những tháng qua, chủ yếu do nguồn cung tăng, tác động tích cực tới tăng trưởng của các nước nhập khẩu dầu nhưng đối với các nước xuất khẩu dầu, tăng trưởng bị ảnh hưởng do doanh thu xuất khẩu giảm.

Bên cạnh đó, mối quan ngại lớn nhất trong thời gian qua là sự bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu với việc giảm giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khiến phần lớn các quốc gia châu Á phải đối mặt với áp lực phá giá tiền tệ để bảo đảm năng lực cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, thị trường tiền tệ và cổ phiếu tại các nền kinh tế mới nổi đang chịu nhiều áp lực do các dòng vốn đầu tư giảm đáng kể.

Ở trong nước, giá dầu thế giới giảm mạnh đã khiến giá dầu trong nước giảm, tác động trực tiếp đến nền kinh tế và ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, xem xét ở khía cạnh tích cực thì giá dầu giảm là cơ hội để hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ trong nước giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, thúc đẩy tiêu dùng xã hội. Xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự giảm giá đồng Nhân dân tệ và các đồng tiền của nhiều nước khác trên thế giới.

Bích Diệp

GDP 9 tháng tăng cao nhất trong 5 năm - 2