Gặp lão nông mở trang trại trên núi cao nuôi gà chín cựa

(Dân trí) - Những tưởng “gà chín cựa” chỉ có trong truyền thuyết, thì nay, ngay giữa núi rừng Phú Thọ lại có bản làng chuyên nuôi giống gà này.

Không phải riêng ai mà ngay bản thân tôi lâu nay cũng nghĩ rằng, gà chín cựa cùng với “voi chín ngà, ngựa chín hồng mao” chỉ là những loài vật mang màu sắc huyền thoại. Ấy vậy, sự thực lại hoàn toàn trái ngược, tại bản Cỏi, xã Xuân Sơn, Tân Sơn, Phú Thọ đã và đang tồn tại thứ gà trong truyền thuyết ấy, mà người dân ở đây vẫn gọi với nhau bằng cái tên “Chúa gà”.

Người dân ở xã Xuân Sơn vẫn nuôi giống gà chín cựa từng nhắc đến trong truyện cổ xưa

Người dân ở xã Xuân Sơn vẫn nuôi giống gà chín cựa từng nhắc đến trong truyện cổ xưa

Muốn tìm đến bản Cỏi không có con đường nào khác là phải leo đồi, băng rừng và vượt qua những con suối tràn bờ chảy chắn ngang đường. Đi đến được bản Cỏi cũng có nghĩa là đã đi đến nơi tận cùng của xã Xuân Sơn, quang cảnh bản rất hoang sơ, vắng lặng, chỉ vài ba nóc nhà nhấp nhô ẩn hiện trong làn sương mờ của núi rừng tây bắc. Người dân ở bản và cũng là chủ nhân của loài gà chín cựa là những người dân tộc Dao, đã sinh sống từ hàng ngàn năm nay ở xứ “thâm sơn cùng cốc” này.

Lão nông Nguyễn Văn Gương bên chuồng nhốt gà chín cựa của mình

Lão nông Nguyễn Văn Gương bên chuồng nhốt gà chín cựa của mình

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 

* IMF và WB trước sức ép cần "thay máu" để giữ vị thế

* Vì sao người Nhật thành công ở Việt Nam?

* Trứ danh dê núi Ninh Bình...

* Bài toán khó cho Trung Quốc trong năm con Dê

* Những doanh nhân tuổi Mùi nổi tiếng thế giới

* 'Gieo quẻ' sự nghiệp và tiền bạc năm Ất Mùi

Cuộc sống của họ chủ yếu tự cung, tự cấp, đồ ăn thức uống đều khai thác từ thiên nhiên mà ra, gần như biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Đi dạo một vòng quanh bản, thấy một lão nông trạc 60 tuổi đang lúi húi đan chụp nhốt gà, nghĩ bụng chắc nhà có nuôi gà, tôi liền vào hỏi thăm và quả thật không ngoài dự đoán.

Tôi được lão nông tên Nguyễn Văn Gương, cho biết: “Ở bản Cỏi này nhiều nhà nuôi gà chín cựa lắm, nhưng vì vừa rồi có trận đại dịch, chết nhiều quá, người dân bàn nhau đem hết số gà còn lại lên trên các ngọn đồi, dựng nhà sàn, chuồng trại để nuôi và trông nom luôn trên đó cho đỡ bị dịch bệnh tấn công.

Khi tôi bày tỏ ý định muốn lên thăm trại gà chín cựa một lần, lão nông Gương ra vẻ ái ngại, tôi hỏi lý do thì lão nói: “Trại gà gần đỉnh đồi, đường xa và dốc lắm, cậu có đi được không?”. Đã mất công đi đến tận đây, lại sẵn cái tính hiếu thắng của tay viết báo trẻ đang muốn được khám phá những điều mới lạ, tôi nói quả quyết: “Được chứ bác, bác cứ cho cháu đi theo lên trại gà, để xem gà chín cựa một lần cho biết”.

Thấy tôi như vậy, lão nông liền đồng ý, bảo tôi đợi lão lấy ít dụng cụ để mang lên chỗ ở của ‘chúa gà”. Len lỏi theo ngay một con đường nhỏ sau vách nhà sàn của lão nông Nguyễn Văn Gương, tôi bắt đầu cuộc hành trình đi lên trại gà để được mục sở thị thứ lễ vật đã góp phần giúp Sơn Tinh chiến thắng Thủy Tinh và cưới được con gái của Vua Hùng.

Đường đi lên đồi, chỉ có dốc chứ chả có lấy một chút đường bằng để nghỉ ngơi, đi được hơn nửa tiếng, bước chân tôi đã rã rời. Thấy vậy, ông Gương chỉ tôi một phiến đá bảo tôi ngồi nghỉ chút lấy sức, trong lúc tôi thở không ra hơi lão nông nói với tôi “không phải mình cậu đòi lên đây đâu, nhiều người cũng xin đi, nhưng toàn đang đi mệt quá rồi xin quay xuống”.

Những lời đó của lão nông lại càng khiến tôi quyết tâm phải leo đến nơi cho bằng được, quãng đường còn lại, tôi gần như đi theo kiểu bò lết trên mặt đất vì dốc cao quá, phải mất gần 2 tiếng, tôi mới đặt chân được đến khu trại gà chín cựa.

Mỗi khu trại gà của các gia đình ở đây đều phải nuôi cách xa nhau, để lỡ nhỡ trại này bị dịch không lây lan sang trại nhà khác, lão Gương nói. Nói rồi không để tôi phải đợi lâu, lão nông Gương đi tìm bắt gà chín cựa trong khi tay tôi đang lăm lăm chiếc máy ảnh để ghi lại khoảnh khắc “nghìn năm có một” này.

Cầm trên tay một chú gà thuộc giống chín cựa, lão nông cho biết: “Gà chín cựa nghĩa là phải tính cả ngón chân và cộng thêm cựa mọc ra trên khuỷu chân gà, không phải chỉ có gà chín cựa mà còn có gà 10, thậm chí là 11 hay 12 cựa.

Nhưng theo truyền thuyết thì những con có vừa tròn 9 cựa mới là những con hoàn hảo nhất, ngày xưa chuyên dùng để tiến vua. Bởi vậy, nên cách gọi gà chín cựa là để chỉ giống gà nhiều cựa đặc biệt nơi đây".

Trong cùng một lứa, cùng một mẹ đẻ ra vẫn có những con gà thuộc loại gà chín cựa và có con không có cựa nào. Nếu là gà nhiều cựa, từ khi còn bé đã có thể nhận thấy rõ ở khuỷu chân. Gà nhiều cựa thân hình mảnh dẻ, bình thường hay chạy lên đồi nứa, nương rẫy đào giun, bắt dế, thỉnh thoảng mới nhận được nắm ngô, nắm gạo của chủ nuôi. Giống gà chín cựa đi ăn từ 4 giờ sáng đến tối thì tự động về chiếc chuồng quây bằng phên nứa, lợp lá cọ, chẳng phải bắt nhốt gì cả.

Được 5 - 6 tháng tuổi, gà trống nặng chừng 7 - 8 lạng, bắt đầu trổ mã, tập gáy. Gà mái nặng chừng 5 - 6 lạng thì đã đòi nhảy ổ và thịt được rồi. Gà chín cựa rất khỏe, đặc biệt là đôi chân của chúng rất linh hoạt, muốn bắt một con gà chín cựa cũng không phải chuyện dễ, nều như không nhốt trong chuồng mà muốn bắt chỉ có cách quăng lưới hoặc dùng nỏ ngắm bắn.

Những con gà thuộc loài chín cựa thường rất hiếu chiến, lão nông Gương thường phải nhốt riêng chúng ra một chuồng khác, nếu không rất dễ nảy sinh “hỗn chiến”, đàn gà sẽ hoảng loạn khó nuôi. Một điều đặc biệt mà ông Gương kể đó là gà chín cựa chỉ thích hợp sống ở khí hậu của vùng bản Cỏi này mà thôi, cứ hễ mang đi đâu đó là "10 con chết chín, 1 con gật gù”, họa lắm mới có được con sống sót. Nhưng dù có sống đi chăng nữa thì cũng không thể có được thể chất và sức khỏe giống như gà chín cựa ở đất Xuân Sơn này.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, tiếng đồn về việc xuất hiện gà chín cựa ở Xuân Sơn đã khiến nhiều cánh thương gia đến lùng mua gà chín cựa đem về dưới xuôi kiếm lời. Trung bình nếu mua tận gốc ở bản Cỏi gà chín cựa có giá khoảng 350.000/kg, nhưng khi đem về bán, các thương lái thường đưa ra những giá cao ngất ngưởng từ 1tr – 2tr/1kg.

Gà chín cựa đang trở thành đặc sản mà nhiều nhà hàng tìm mua về để bán cho khách

Gà chín cựa đang trở thành đặc sản mà nhiều nhà hàng tìm mua về để bán cho khách

Tuy nhiên, hầu hết người tìm mua gà chín cựa dưới đồng bằng đều thuộc tầng lớp khá giả, muốn thưởng thức “của ngon vật lạ” nên dù giá cao, họ vẫn mua cho bằng được.

Điều đáng nói là từ khi gà chín cựa bị đem đi tiêu thụ, lại thêm các trận đại dịch hoành hành, số lượng gà chín cựa ở Xuân Sơn đã giảm một cách đáng kể. Ở bản Cỏi đã xuất hiện các cửa hàng chuyên săn lùng để thu mua gà chín cựa, nhiều quán đặc sản núi rừng đã bắt đầu mọc lên nhan nhản ở quanh khu vực xã Xuân Sơn mà đặc sản chính là gà chín cựa.


Lê Tú

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm