Gần đại công xưởng Trung Quốc, không ngành nào "trụ" được!

(Dân trí) - "Biện pháp phòng vệ đưa ra người tiêu dùng ít nhiều chịu thiệt hại nhưng nếu không có biện pháp nào “bảo vệ”, như chúng ta biết gần đại công xưởng như Trung Quốc, không có ngành nào Việt Nam trụ được, trừ một số ngành thủ công nhỏ lẻ”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.


Gần đại công xưởng như Trung Quốc, không có ngành nào Việt Nam trụ được, trừ một số ngành thủ công nhỏ lẻ.

"Gần đại công xưởng như Trung Quốc, không có ngành nào Việt Nam trụ được, trừ một số ngành thủ công nhỏ lẻ".

Nếu không bảo vệ, doanh nghiệp trong nước sẽ bị "tiêu diệt"

Tại hội nghị Tổng kết thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại và đề xuất giải pháp diễn ra sáng nay (2/6), ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương chia sẻ, trong bối cảnh xu thể hội nhập quốc tế về kinh tế đã tác động sâu sắc tới tất cả các nước, sự tồn tại và phát triển của các nước được đặt trong bối cảnh lệ thuộc lẫn nhau nhiều hơn, thể hiện rõ nét qua những mối quan hệ song phương và đa phương phức tạp.

"Việt Nam là thành viên chính thức của nhiều thiết chế thương mại khu vực và thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta đã sẵn sang chấp nhận một “sân chơi” và “luật chơi” chung, bình đẳng với mọi nước khác. Thực tiễn này đặt ra nhiều thách thức mới đòi hỏi phải được giải quyết một cách hợp lý để hài hòa, tránh xung đột giữa các lợi ích, trong đó đặt ra vấn đề giải quyết mẫu thuẫn giữa hội nhập kinh tế quốc tế và bảo vệ lợi ích sản xuất trong nước", ông Nam nói.

Ông Nam nhấn mạnh, biện pháp tự vệ là công cụ khẩn cấp nhằm loại bỏ trước mắt những thiệt hại do tình trạng gia tăng bất thường của hàng hóa nhập khẩu. Biện pháp này được áp dụng trong điều kiện thương mại công bằng, là van an toàn trong một khoảng thời gian nhất định khi hàng hóa nhập khẩu đang cạnh tranh chính đáng với hàng hóa trong nước.

Tại Việt Nam, dù đã có có đầy đủ chủ trương cũng như hành lang pháp lý của Đảng và Nhà nước, tới tận năm 2009, lần đầu tiên Việt Nam khởi xướng vụ việc tự vệ toàn cầu đối với mặt hàng kính nổi trong xây dựng theo đề nghị của đại diện các nhà sản xuất mặt hàng kính nổi trong nước. Thời gian gần đây, số lượng yêu cầu của các nhà sản xuất trong nước đã gia tăng nhanh chóng cho thấy việc sử dụng các công cụ pháp lý là cần thiết và phù hợp với nhằm bảo vệ sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam ngay trên thị trường trong nước.

"Nếu không bảo vệ doanh nghiệp trong nước, ngành sản xuất trong nước sẽ bị tiêu diệt. Hàng nước ngoài từng bán giá thấp vào thị trường Việt Nam nhưng khi tiêu diệt xong họ sẽ nâng giá, chiếm lĩnh thị trường. Như sản phẩm thép của Trung Quốc gần như xuất khẩu đi thị trường lớn nào trên thế giới đều bị các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, chỉ có Việt Nam áp dụng quá chậm”, ông Nam cho hay.

Gần đại công xưởng Trung Quốc, không ngành nào "trụ" được

Chia sẻ tại hội nghị, bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng điều tra Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cũng cho biết: "Dẫn ví dụ với mặt hàng thép, không chỉ Việt Nam, mới đây, Malaysia cũng đã áp dụng tự vệ với mặt hàng thép dài. Con số tổng hợp từ 5 năm trở lại đây cho thấy, các biện pháp phòng vệ thương mại, mặt hàng thép chiếm 80%".

“Điều này dễ hiểu khi Trung Quốc rơi vào khủng hoảng, suy thoái, các nhà máy thép đã vận hành không thể ngừng sản xuất vì ngừng và sản xuất lại chi phí ngang với chi phí xây mới, Trung Quốc có 300 triệu tấn thép thừa. Có đến 4-5 vụ việc Việt Nam mới áp dụng đều là thép. 6 tháng gần đây nhiều doanh nghiệp đến tham vấn, đặt câu hỏi với số liệu như vậy, đã đủ điều kiện áp dụng tự vệ không và 90% doanh nghiệp là doanh nghiệp thép”, bà Giang thông tin.

Cũng theo bà Giang, Việt Nam đã ký nhiều Hiệp định thương mại, bên cạnh điểm tích cực là thuế giảm, tiêu cực là nếu cộng đồng doanh nghiệp không chuẩn bị kỹ lưỡng, có biện pháp nâng cao hiệu quả, khi thuế giảm, biện pháp phòng vệ thương mại có thể là biện pháp doanh nghiệp nghĩ đến. Tuy nhiên, hồ sơ và điều kiện khởi xướng áp dụng không đơn giản.

Dẫn chứng về trường hợp thép, bà Giang cho biết, nhập khẩu phôi thép năm 2014 là 700.000 tấn, năm 2015 con số này lên đến 1,9 triệu tấn, gấp 1,5 lần. Trong khi nhu cầu cho phôi thép là 6,2 triệu tấn, công suất ngành sản xuất nội địa là 7,5 triệu tấn, vượt 1 triệu tấn so với nhu cầu cộng gần 2 triệu nhập khẩu không doanh nghiệp nào chịu được nếu không bảo vệ và đây là bảo vệ có điều kiện, có thời hạn.

Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cũng cho biết, sau khi quyết định áp dụng thuế tự vệ tạm thời trong thời gian 200 ngày kể từ ngày 22/3 vừa qua, bà nhận hơn 20 cuộc điện thoại của các cơ quan báo chí, doanh nghiệp kêu vì sao cơ quan quản lý “bảo vệ” một nhóm doanh nghiệp, hàng Trung Quốc giá thấp sao doanh nghiệp trong nước không hạ chi phí, tăng hiệu quả…

“Chúng tôi không biết làm cách nào, không bảo vệ cũng bị kêu, bảo vệ cũng bị kêu. Bộ Công Thương giống như trọng tài ở giữa 2 bên, biện pháp phòng vệ đưa ra người tiêu dùng ít nhiều chịu thiệt hại nhưng nếu không có biện pháp nào “bảo vệ”, như chúng ta biết gần đại công xưởng như Trung Quốc, không có ngành nào Việt Nam trụ được, trừ một số ngành thủ công nhỏ lẻ”, bà Giang nói thêm.

Đồng quan điểm, ông Phạm Tất Thắng, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam cần phải chuẩn bị sẵn sàng về mặt pháp lý và nguồn lực cần thiết để ứng phó kịp thời khi cần phải áp dụng 3 biện pháp phòng vệ thương mại mà các quốc gia đang áp dụng phổ biến. Cùng với đó, việc tính toán biên độ bán phá giá, cơ quan điều tra cũng phải xác định mức độ thiệt hại của các ngành sản xuất theo tiêu chí cụ thể.

Cũng theo ông Phạm Tất Thắng, trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều các hành vi gian lận đưa hàng hóa của thương hiệu Việt Nam đã thành danh ra gia công ở nước ngoài và phù phép thành hàng Việt Nam. Vì vậy, rất cần phải chú ý đến hiện tượng này để ngăn chặn các biện pháp phòng vệ thương mại. Đặc biệt, với tiến trình hội nhập, các văn bản pháp luật trong phòng vệ thương mại rất cần được đối chiếu rà soát sao cho phù hợp với các quy định của luật đầu tư sửa đổi, luật doanh nghiệp sửa đổi, luật thuế xuất nhập khẩu, luật hải quan…, đó là một trong những yêu cầu rất quan trọng trong xây dựng nghị định về phòng vệ thương mại Việt Nam.

Phương Dung