Gần 90% doanh nghiệp FDI bị thanh tra báo lỗ 3 năm liên tiếp
(Dân trí) - Theo kết quả thanh tra của Bộ Tài chính, gần 90% doanh nghiệp FDI bị thanh tra đã báo lỗ liên tiếp 3 năm 2007-2009. Trong khi báo lỗ như vậy, nó cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp FDI không thực hiện tốt các trách nhiệm xã hội của mình.
Doanh nghiệp có lãi chiếm chưa đến 6%
Vấn đề doanh nghiệp FDI liên tục báo lỗ đã được nói tới nhiều song vẫn chưa có biện pháp xử lý. Kết quả thanh tra của Bộ Tài chính đối với 90 doanh nghiệp FDI tại 10 địa phương trên cả nước mới đây cho thấy: Gần 90% số doanh nghiệp FDI này "bị" lỗ liên tiếp 3 năm 2007-2009, trong đó, có không ít những tên tuổi đại gia trong các ngành bán lẻ, phân phối, may mặc, sản xuất xe máy, mỹ phẩm, đồ gia dụng...
Hai thành phố Hà Nội và TPHCM có số doanh nghiệp thanh tra nhiều nhất cũng phát hiện, trên 90% là lỗ, như 18/19 doanh nghiệp ở Hà Nội và 18/21 doanh nghiệp ở TPHCM.
Số lỗ không phải là vài chục tỷ đồng mà là hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Trong khi thực tế các doanh nghiệp này vẫn dường như "sống khỏe", vẫn có những chương trình quảng cáo rầm rộ và mở rộng qui mô kinh doanh.
Báo cáo doanh nghiệp 2010 của VCCI cũng thống kê cho thấy, khu vực FDI có tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ thường lớn nhất so với khu vực doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước, chiếm 30% ở tất cả các ngành và trong suốt các năm từ 2005-2009.
Trong đó, ba ngành có tỷ lệ FDI thua lỗ chiếm trên 50% là sản xuất trang phục, viễn thông và xây dựng. Đặc biệt, năm 2007, ngành viễn thông FDI thua lỗ trên 80%.
Doanh nghiệp FDI và trách nhiệm xã hội
Khi báo lỗ như vậy, các doanh nghiệp FDI đã không thực hiện tốt các trách nhiệm xã hội của mình. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở đây được hiểu như tổng thể của trách nhiệm kinh tế (doanh nghiệp phải đảm bảo kinh doanh có lãi), trách nhiệm pháp lý (doanh nghiệp phải đảm bảo sự tuân thủ pháp luật), trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm nhân văn.
Bên cạnh việc chuyển giá để báo lỗ không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, trong thời gian qua vẫn còn một số doanh nghiệp FDI không chú ý đúng mức đến vấn đề an toàn lao động, nâng cao chất lượng đời sống công nhân, thậm chí còn “nhắm mắt” làm liều, gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường sống, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân ở nơi các doanh nghiệp hoạt động.
Đâu là nguyên nhân của tình trạng trên? Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do trách nhiệm xã hội của các chủ doanh nghiệp còn thấp, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt của doanh nghiệp mà quên những hậu quả mà mình đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra cho xã hội.
Doanh nghiệp FDI thường được coi là có mục tiêu tận thu tài nguyên, bóc lột nhân công giá rẻ bởi vậy nên lơ là trách nhiệm xã hội là đương nhiên. Các doanh nghiệp FDI đưa ra slogan “Suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương” nhưng slogan này thường bị áp dụng theo hướng tiêu cực.
Cần phải thấy rằng, các doanh nghiệp được đối xử bình đẳng như nhau về quyền lợi thì không có cớ gì việc tôn vinh các doanh nghiệp trong nước sản xuất kinh doanh hiệu quả, có nhiều đóng góp cho xã hội chúng ta đã làm, trong khi các doanh nghiệp FDI lại đứng ngoài cuộc.
TS. Phạm Trí Hùng