1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Gần 60% người dùng Internet tham gia mua sắm online

(Dân trí) - Dự kiến có 120 triệu thuê bao di động, trên 34 triệu người truy cập Internet và khoảng 20% thuê bao 3G tăng trưởng vào năm 2015. Năm 2012, có 57% số người truy cập Internet tham gia mua sắm online với khoảng 150 USD/năm/người.

Sản phẩm online thường bị than phiền vì chất lượng và quảng cáo quá đà (ảnh minh họa).
Sản phẩm online thường bị than phiền vì chất lượng và quảng cáo quá đà (ảnh minh họa).

Theo đánh giá của ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) tại Hội thảo quốc tế về hợp tác Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam - Nhật Bản diễn ra ngày 29/10, trong những năm qua, TMĐT ở Việt Nam đã phát triển khá nhanh, hoạt động giao dịch mua bán qua mạng rất sôi động. 

Doanh thu trong lĩnh vực này không ngừng tăng theo tốc độ tăng trưởng của người sử dụng Internet. Với số lượng 120 triệu thuê bao di động, trên 34 triệu người truy cập Internet và khoảng 20% thuê bao 3G tăng trưởng vào năm 2015 đã tạo điều kiện khả quan cho TMĐT sẵn sàng vươn lên mạnh mẽ. 

Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2012 cho thấy, có 57% số người truy cập Internet tham gia mua sắm online với ước tính giá trị mua hàng online của một cá nhân vào khoảng 150 USD/năm. 

Trong khi đó, theo kết quả khảo sát từ 781 người mua hàng online của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin tháng 9/2013, các loại hàng hóa phổ biến được mua online là: quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ công nghệ, đồ gia dụng, thực phẩm, sách, văn phòng phẩm... 

Về hiệu quả của mua sắm online, khách hàng chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở mức đánh giá bình thường, chiếm trên 60%, trong khi đó mức hài lòng chỉ chiếm 29%. 

Nguyên nhân chủ yếu do người tiêu dùng gặp những trở ngại khi mua sắm online như sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo, giá cả không thấp hơn mua trực tiếp, dịch vụ vận chuyển giao nhận còn yếu, an toàn thông tin cá nhân, các thức đặt hàng online rắc rối... 

Bên cạnh đó, việc tích hợp thanh toán online trên các website cung cấp dịch vụ TMĐT còn ở mức trung bình (48%) gây nhiều khó khăn trong việc thanh toán.

Ông Trần Hữu Linh cho biết, trong năm 2013, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ phê duyệt nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo điều kiện cho TMĐT phát triển đúng hướng bao gồm Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT, Thông tư 12/2013/TT-BTC Quy định thủ tục thông báo, đăng ký và công bố thông tin liên quan đến Website TMĐT, Nghị định xử phạt vi phạm trong TMĐT, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và thực hiện Chương trình phát triển TMĐT. 

Cũng theo ông Linh, sau khi hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động TMĐT, Bộ Công Thương sẽ tiến hành đi sâu phát triển và phổ biến các ứng dụng mới về TMĐT.

Bích Diệp