Gần 5.400 tỷ đồng “chôn” tại Gang Thép Thái Nguyên, Tisco báo tin không ngờ
(Dân trí) - Do bế tắc tại dự án cải tạo giai đoạn II của Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, lãnh đạo Tisco từng cho biết, tình hình tài chính doanh nghiệp này bị lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn, nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn đến phá sản đang hiện hữu. Tuy nhiên, kết quả năm 2019 của Tisco đã gây bất ngờ lớn.
Thoát lỗ ngoạn mục
Sau một năm nhiều biến động, kết quả sản xuất kinh doanh được công bố tại Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019 của Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên (Tisco - mã chứng khoán TIS) phần nào đã cho thấy sự chuyển biến khả quan hơn của doanh nghiệp này, dù vẫn rất khiêm tốn.
Cụ thể, trong quý IV vừa qua, Tisco ghi nhận doanh thu thuần 2.781,1 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 2,9% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán vẫn chiếm tỷ trọng lớn, tới 96% doanh thu thuần, nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ của Tisco chỉ còn đạt 108,5 tỷ đồng - con số này tăng hơn 5 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Doanh thu tài chính giảm 11,5% so cùng kỳ, đạt 9,3 tỷ đồng. Song đáng chú ý là chi phí tài chính của Tisco trong quý IV/2019 lại giảm rất mạnh tới gần 35%, còn khoảng 40,8 tỷ đồng. Trong đó, lãi vay phải trả ở mức 39,3 tỷ đồng, chỉ còn bằng 67% so với cùng kỳ.
Số liệu tại bảng cân đối kế toán cũng cho thấy, tính tại thời điểm cuối năm 2019, tổng nợ phải trả của Tisco cũng đã giảm được hơn 1.100 tỷ đồng, còn 7.587,4 tỷ đồng. Trong kỳ, Tisco cũng giảm được 10,7% chi phí quản lý doanh nghiệp, còn 55,8 tỷ đồng song chi phí bán hàng tăng mạnh gần gấp đôi cùng kỳ lên 23,5 tỷ đồng.
Kết quả, Tisco vẫn bị lỗ thuần 2,3 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh quý IV/2019. Dù vậy, con số lỗ này đã được cải thiện đáng kể so với kết quả của quý IV/2018 khi doanh nghiệp này báo lỗ thuần tới 23,5 tỷ đồng.
Nhờ có khoảng lợi nhuận khác là 3,7 tỷ đồng, Tisco đã thoát lỗ ngoạn mục, đạt lãi trước thuế 1,4 tỷ đồng và sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế, có lãi sau thuế 993,5 triệu đồng, lãi ròng thuộc về công ty mẹ gần 410 triệu đồng.
Dù con số lãi là rất khiêm tốn, thế nhưng đây cũng là một bước tiến lớn của Tisco nếu so với kết quả bết bát của cùng kỳ năm ngoái, lỗ tới 20,3 tỷ đồng và lỗ ròng 18,3 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2019, Tisco đạt 10.433,3 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 4,6% so với năm 2018 và hoàn thành 73,4% kế hoạch.
Tuy nhiên, việc tiết giảm đáng kể các loại chi phí (trong đó có giá vốn), đã giúp lợi nhuận trước thuế của Tisco năm vừa qua bật tăng mạnh, tăng 43,4%so với năm 2018 lên 52,2 tỷ đồng. Lãi sau thuế cả năm đạt 41,7 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 44,3% so với năm 2018 và lãi ròng thuộc về công ty mẹ gần 40,8 tỷ đồng, tăng 43,1%.
“Vết chàm” tại dự án cải tạo giai đoạn II
Năm 2019, việc xử lý những sai phạm tại Công trình cải tạo giai đoạn II của Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đã khiến nhiều lãnh đạo VnSteel và Tisco bị dính lao lý.
Vào trung tuần tháng 4/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại dự án này và đã có 5 cá nhân bị khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra xác minh 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại dự án này.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, tại 31/12/2019, Tisco đã rót tới 5.361,9 tỷ đồng vào công trình cải tạo giai đoạn II, tăng 269,2 tỷ đồng so với con số đầu năm và chiếm tới 99,7% tổng chi phí xây dựng cơ bản dở dang của Tisco ở thời điểm nói trên.
Lãnh đạo Tisco đã phải thừa nhận trước phiên họp đại hội đồng cổ đông năm ngoái, đến đầu năm 2019, tình hình tài chính của Tisco lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn, nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn đến phá sản đang hiện hữu nếu không có sự giải cứu kịp thời của Chính phủ, các ngân hàng và các cấp có thẩm quyền.
Tisco vốn được xem là “cái nôi” của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam, tiền thân là Công ty Gang thép Thái Nguyên, được thành lập năm 1959, là khu công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam có dây chuyền sản xuất liên hợp khép kín từ khai thác quặng sắt đến luyện gang, luyện thép và cán thép.
Ngày 29/11/1963, mẻ gang đầu tiên của Gang thép Thái Nguyên ra lò đã đánh dấu mốc son quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển của công ty này cũng như của ngành luyện kim Việt Nam.
Hiện tại, sản phẩm của doanh nghiệp này vẫn đang được sử dụng vào hầu hết công trình trọng điểm quốc gia như Nhà ga T2 Sân bay Quốc tế Nội Bài, cầu Nhật Tân, tòa nhà Quốc hội, Trung tâm hội nghị Quốc gia, sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, và nhiều công trình khác.
Trong khi thất bại với dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy giai đoạn II thì công suất sản xuất thép cán hiện tại của Tisco đang đạt trên 1 triệu tấn/năm với 3 nhà máy sản xuất thép cán bao gồm: Nhà máy Cán thép Lưu Xá, Nhà máy Cán thép Thái Nguyên và Công ty Cổ Phần Cán thép Thái Trung (là công ty con của Tisco).
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TIS của Tisco hiện ở mức giá 10.100 đồng và thanh khoản gần như tê liệt sau khi giảm kịch sàn 14,41% ở phiên giao dịch ngày 21/1/2020.
Bích Diệp