Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 chưa xây xong đã nhập hết thiết bị, chia nhỏ gói thầu

(Dân trí) - Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (Tisco 2) dù chưa xây dựng xong nhưng chủ đầu tư đã cho nhập hết thiết bị về nước. Sau đó, chủ đầu tư chia nhỏ gói thầu.

Mới đây tại Họp báo chuyên đề về “Tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 và kết quả tái cơ cấu, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước năm 2019”, Bộ Tài chính đã nêu ra hàng loạt vấn đề của cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước hiện còn vướng mắc, khó tháo gỡ.

Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 chưa xây xong đã nhập hết thiết bị, chia nhỏ gói thầu - 1

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính

Cụ thể, theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), mặc dù đã được nhắc nhở, đôn đốc nhưng tiến độ cổ phần hoá của các doanh nghiệp hiện vẫn rất chậm, không đạt được kế hoạch đề ra. 

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, hiện nhiều đơn vị, địa phương còn tồn đọng số doanh nghiệp phải cổ phần hoá lớn song qua năm qua không có chuyển động.

Lũy kế giai đoạn 2016 - 2019, theo Bộ Tài chính cả nước có 168 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hoá, tổng giá trị đạt hơn 440.000 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.000 tỷ đồng. 

Nhưng trong 168 doanh nghiệp đã cổ phần chỉ có 36 doanh nghiệp thuộc danh mục 128 doanh nghiệp cổ phần hoá theo công văn số 991 và Quyết định 26 (đạt 28% kế hoạch), số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hoá theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp.

Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 chưa xây xong đã nhập hết thiết bị, chia nhỏ gói thầu - 2

Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (Tisco) đang được làm rõ các sai phạm của các cá nhân, tổ chức có liên quan

Theo Bộ Tài chính, nhiều đơn vị địa phương hiện còn tồn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần, trong đó có hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chiếm tới 54% số doanh nghiệp trong danh mục nhưng thời gian qua vẫn "án binh bất động". 

Cụ thể, Hà Nội còn phải cổ phần hoá 13 doanh nghiệp, trong đó có 4 tổng công ty; Thành phố Hồ Chí Minh còn phải cổ phần hoá 38 doanh nghiệp, trong đó có 11 tổng công ty. Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn phải cổ phần hoá 6 doanh nghiệp trong đó có 3 tập đoàn, 3 tổng công ty). Bộ Công Thương phải cổ phần hoá 4 doanh nghiệp (trong đó có 3 tổng công ty). Bộ Xây dựng cổ phần hoá 2 tổng công ty.

Ông Đặng Quyết Tiến cho biết: Bên cạnh, lý do của việc chậm cổ phần hoá do những doanh nghiệp lớn, có nhiều tài sản đất đai khác nhau như Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank)… nên không nhanh được.

Đặc biệt, theo ông này, vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hoá.

Ngoài vấn đề cổ phần hoá, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp nói về việc doanh nghiệp hậu cổ phần chậm niêm yết trên sàn chứng khoán như căn bệnh trầm kha. 

Theo ông Tiến, hiện nhiều doanh nghiệp được cổ phần hoá chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường. 

Việc chậm niêm yết làm cho việc đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán chậm, đây cũng là điều làm cản trở sự giám sát của xã hội với hoạt động doanh nghiệp hậu cổ phần.

An Linh