Gần 530.000 tỷ đồng vốn ODA được chi thế nào trong giai đoạn 2021-2025?

Thế Hưng

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã phê duyệt Đề án "Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021-2025".

Quyết định 2109/QĐ-TTg  nêu rõ, kế hoạch bố trí vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, tổng số vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài dự kiến bố trí trong giai đoạn 2021-2025 là khoảng 527.100 tỷ đồng.

Số tiền 305.000 tỷ đồng vay cấp phát từ ngân sách Trung ương (bao gồm chi cho đầu tư phát triển là 300.000 tỷ đồng, chi cho hành chính sự nghiệp đối với các hiệp định ký từ năm 2017 trở về trước là 5.100 tỷ đồng). Số tiền 222.000 tỷ đồng vay về để cho vay lại (bao gồm cho vay lại từ ngân sách Trung ương đối với ngân sách địa phương và cho vay lại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập).

Gần 530.000 tỷ đồng vốn ODA được chi thế nào trong giai đoạn 2021-2025? - 1

Tổng số vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài dự kiến bố trí trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 527.100 tỷ đồng (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Căn cứ Nghị quyết số 29/2021 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong số 300.000 tỷ đồng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương, 270.000 tỷ đồng sử dụng cho các dự án chuyển tiếp và các dự án mới. Khoản tiền này bao gồm số vốn phân bổ cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là 179.657,898 tỷ đồng. Số vốn chưa phân bổ chi tiết cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là 90.342,102 tỷ đồng. Ngoài ra, 30.000 tỷ đồng là vốn dự phòng.

Định hướng ưu tiên sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021-2025 theo ngành, lĩnh vực về cơ bản thực hiện theo Nghị định số 56/2020 ngày 25/5/2020 của Chính phủ. 

Theo đó, vốn ODA không hoàn lại ưu tiên sử dụng để thực hiện chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội; tăng cường năng lực; hỗ trợ xây dựng chính sách, thể chế và cải cách; phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; an sinh xã hội; chuẩn bị các dự án đầu tư hoặc đồng tài trợ cho dự án sử dụng vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài nhằm làm tăng thành tố ưu đãi của khoản vay.

Các chương trình, dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hạ tầng kinh tế thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp sẽ được ưu tiên sử dụng vốn ODA.

Đồng thời, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài được ưu tiên sử dụng cho chương trình, dự án vay về để cho vay lại theo quy định của pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi của Chính phủ. Hoặc chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước trong lĩnh vực phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội.

Ngoài ra, căn cứ nhu cầu thực tế, bổ sung lĩnh vực thảm họa, dịch bệnh tăng trưởng xanh và đổi mới sáng tạo ưu tiên sử dụng vốn ODA không hoàn lại trong giai đoạn này.

Định hướng phân bổ vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021-2025 sẽ phân theo vùng kinh tế. Trong đó, các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội khó khăn sẽ được ưu tiên ODA không hoàn lại và ODA vốn vay cho thông qua cơ chế cấp phát từ ngân sách Trung ương.

Ưu tiên sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài các dự án cải thiện cơ sở hạ tầng. Dùng ODA để giúp các vùng, địa phương khó khăn phát triển kinh tế, dần bắt kịp với các địa phương khác. ODA cũng được ưu tiên sử dụng tại các vùng, địa phương có khả năng huy động vốn trong nước thấp, hoặc các dự án hỗ trợ giải quyết các vấn đề bức xúc trong quá trình đô thị hóa nhanh ở các tỉnh.

Cuối cùng, ưu tiên sử dụng vốn ODA cho các địa phương phát triển, các dự án phù hợp với trình độ phát triển, năng lực hấp thụ và sử dụng vốn ODA của địa phương tiếp nhận. Đồng thời, ưu tiên các dự án kết nối liên vùng, liên tỉnh tại các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long để có điều kiện phát triển nhanh hơn.