Gần 5 triệu lao động bị giãn việc, mất việc vì dịch Covid-19
(Dân trí) - Đến giữa tháng 4/2020, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, khoảng 5 triệu lao động Việt Nam bị giãn việc, không có việc làm hoặc mất việc.
Con số trên được đưa ra trong Báo cáo về tình hình lao động, việc làm quý I và 4 tháng đầu năm 2020 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) sáng nay 24/4.
Tổng cục Thống kê cho biết, theo kết quả điều tra doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và báo cáo đánh giá của các địa phương về tình hình lao động việc làm gửi về, tính đến giữa tháng 4, có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trong đó lao động trong ngành công nghiệp chế tạo, chế biến bị ảnh hưởng nhiều nhất với 1,2 triệu người; bán buôn, bán lẻ hơn 1,1 triệu người và lao động dịch vụ, lưu trú hơn 740.000 người.
Có khoảng 54% lao động bị ảnh hưởng đang làm việc trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể, 46% lao động bị ảnh hưởng đang làm việc doanh nghiệp, hợp tác xã.
Đáng chú ý, nhóm lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ yếu là lao động tạm nghỉ việc chiếm gần 60%; hơn 28% lao động bị giãn việc do nghỉ luân phiên và 13% lao động bị mất việc. Nhóm đối tường này đang chịu áp lực lớn từ chi phí cuộc sống và việc làm cho bản thân và gia đình.
"Có khoảng 85% doanh nghiệp được khảo sát cho biết gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp quy mô lớn, vừa chịu tổn thất nhiều hơn so với doanh nghiệp siêu nhỏ. Có hơn 90% doanh nghiệp lớn, vừa cho biết họ gặp khó khăn trong 4 tháng đầu năm”, báo cáo Tổng cục Thống kê nêu rõ.
Riêng trong quý I của năm 2020, thời điểm cả nước chưa thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/TCT-TTg của Thủ tướng, dịch Covid-19 làm cho gần 1 triệu lao động bị ảnh hưởng việc làm.
Trong đó có hơn 523.000 lao động tạm thời không tham gia thị trường lao động, hơn 403.500 lao động thiếu việc làm và hơn 47.300 lao động tạm thời nghỉ việc vì lý do giãn việc, tạm ngừng sản xuất, kinh doanh do lượng khách hàng giảm.
Theo cơ quan này, lực lượng lao động của Việt Nam đang có xu hướng giảm, tỷ lệ lao động qua đào tạo, có bằng và chứng chỉ vẫn ở mức thấp.
Trong quý I, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 55,3 triệu người, giảm hơn 670.000 người so với quý trước và giảm hơn 140.000 người so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm đầu tiên, lực lượng lao động Việt Nam có xu hướng suy giảm.
Đáng nói trong báo cáo về tình hình lao động nói trên, Tổng cục Thống kê phát hiện vẫn còn gần 36% lao động làm công hưởng lương nhưng không được ký hợp đồng lao động, số lao động là 9,4 triệu người; trong đó có gần 82% số người làm việc theo hình thức "thỏa thuận miệng", còn hơn 18% số người làm việc không có bất kỳ hợp đồng hay thỏa thuận nào với chủ sử dụng lao động.
Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm và tỷ lệ thanh niên không đi học, không đi làm có xu hướng tăng. Cụ thể số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm nay đạt gần 1,1 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị cao hơn ở nông thôn, tương ứng với tỷ lệ 3,18% so với 1,7%.
Về mức thu nhập, theo khảo sát của ngành thống kê, thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động trong quý I năm 2020 đạt 6,2 triệu đồng, tăng hơn 350.000 đồng so với các quý trước và tăng 470.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Lao động thành thị có thu nhập cao hơn nông thôn với 8,2 triệu đồng, cao hơn 3 triệu đồng so với thu nhập ở nông thôn.
Theo Tổng cục Thống kê, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến tình hình lao động việc làm tại hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh.
An Linh