Nghệ An:
Gần 3.000 công nhân đình công vì bị bạc đãi
(Dân trí) - Bức xúc trước các quyền lợi lao động không được giải quyết kịp thời, gần 3000 công nhân đang làm việc tại công ty may mặc xuất khẩu Hàn Quốc Prex Vinh và nhà máy may Nam Đàn Hanosimex (Nghệ An) đã đồng loạt đình công sáng ngày 17/7.
Công nhân “vạ vật” với bữa trưa 11.500 đồng
Sáng ngày 17/7, hơn 2500 công nhân của công ty TNHH may mặc xuất khẩu Hàn Quốc Prex Vinh (gọi tắt là công ty Prex Vinh) đóng tại cụm công nghiệp nhỏ xã Lạc Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) đã tập trung trước cổng công ty đình công và yêu cầu lãnh đạo công ty giải quyết các kiến nghị về quyền lợi, chế độ lao động liên quan. Nhận được tin báo, lực lượng công an xã Lạc Sơn và công an huyện Đô Lương có mặt để ổn định tình hình an ninh trật tự.
Nhiều công nhân cho biết, nguyên nhân khiến họ đình công là do các quyền lợi, chế độ liên quan đến người lao động không được đảm bảo như tiền lương, chế độ làm thêm giờ, tăng ca, cơm ăn bữa trưa, thái độ mạt sát của chủ sử dụng lao động đối với công nhân...
Chị M.T.T. (28 tuổi, xã Mỹ Sơn, Đô Lương) làm thợ may tại chuyền 6, phân xưởng 1 ở công ty Prex Vinh được hơn một năm cho biết, thời gian khởi điểm vào nhận hợp đồng lao động chị có mức lương 1.455.000 đồng. Do có kinh nghiệm nên đến nay mức lương của chị là 1.750.000 đồng, ngoài ra công ty còn hỗ trợ 180.000 đồng tiền độc hại, tay nghề và 300.000 đồng tiền ăn trưa.
“Trước đây tôi từng làm công nhân may mặc ở miền Nam được 2 năm nhưng do điều kiện gia đình nên tôi quay trờ về đây để làm việc. Tôi thấy mức lương này quá thấp mà áp lực làm việc quá căng thẳng, các chế độ làm việc lại rất thấp, không đảm bảo cho cuộc sống gia đình bởi vậy nên chúng tôi đình công để yêu cầu công ty tăng lương, tăng phụ cấp”, chị T. cho hay.
Chị T. cho biết thêm, buổi sáng làm việc từ 7h30 phút sáng nhưng công nhân phải có mặt từ 7h để tập thể dục, lau máy. Buổi chiều cả làm thêm giờ (theo quy định là 16h30 phút công nhân được nghỉ - PV), đến 18h công nhân mới được nghỉ.
“Tính ra mỗi ngày chúng tôi làm 9,5 tiếng mà tiền lương vẫn không tăng, các chế độ khác cũng không có. Nhiều lúc chúng tôi làm xong việc nhưng về mà quẹt thẻ sớm 1 giây hoặc 3 giây cũng bị công ty trừ tiền chuyên cần của tháng đó. Một năm chỉ được nghỉ phép 12 ngày nhưng họ quy định mỗi tháng chỉ được nghỉ đúng một ngày thứ 7 của tuần thứ 2. Nhiều hôm chúng tôi mệt và muốn nghỉ nhưng không đúng vào ngày nghỉ đã quy định của họ nên cũng phải đi làm, họ không cho nghỉ”, chị T. bức xúc.
Còn chị Nguyễn Thị B. (22 tuổi, xã Nhân Sơn, Đô Lương) cho biết, mỗi tháng công ty hỗ trợ 300.000 đồng tiền ăn trưa, tương đương với khoảng 11.500 đồng/bữa. Do nhà ở xa nên hằng ngày chị phải chuẩn bị cơm từ sáng sớm để mang đến công ty ăn nhưng công ty lại chưa có bếp ăn tập thể cho công nhân ăn trưa.
“Gặp những hôm trời nắng, cơm đưa từ sáng đến trưa thì bị ôi, thiu hết không nuốt nổi luôn. Nhiều hôm, chúng tôi phải vạ vật ăn các quán ăn tạm bợ ngay trước cổng công ty. Vẫn biết là không đảm bảo sức khỏe nhưng cũng đành phải chấp nhận thôi chứ với hơn 11.000 đồng tiền ăn trưa thì ăn thế nào được”, chị B. chua chát nói.
Cùng chung phản ánh với chị T. và chị B., nhiều công nhân khác cũng đồng loạt “tố” các điều kiện khác như: mức lương của công nhân cũng không đồng đều nhau ở ngay trong cùng một bộ phận, công nhân mới vào lương cũng bằng công nhân làm trên 1 năm; ngoài ra công ty còn sa thải một số công nhân vô lý, quản lý đối xử với công nhân không tốt, chế độ làm tăng ca cho công nhân không đảm bảo.
Được biết, hiện nay đã có 1900/2600 công nhân đã tham gia vào tổ chức công đoàn của công ty Prex Vinh nhưng theo các công nhân thì các kiến nghị của họ phản ánh lên vẫn không được giải quyết kịp thời nên dẫn đến việc đình công đồng loạt. Nhiều công nhân cho biết, họ sẽ không quay trở lại làm việc nếu như công ty không giải quyết các quyền lợi chính đáng cho người lao động. Sự việc công nhân đình công diễn ra căng thẳng suốt buổi sáng nhưng phía công ty Prex Vinh vẫn chưa đưa ra được câu trả lời cụ thể nên công nhân đành phải bỏ về.
Đến hẹn lại…đình công?
Công ty Prex Vinh là công ty may mặc sẵn các sản phẩm hàng cao cấp, có 100% vốn đầu tư đến từ tập đoàn Ki-đô Hàn Quốc. Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, hiện công ty có 2 phân xưởng may, 36/48 chuyền may đã khởi động.
Đây không phải lần đầu tiên công nhân tại công ty Prex Vinh đình công đòi quyền lợi. Như Dân trí đã phản ánh, trước đó, từ ngày 11-14/5/2012, gần 1.000 công nhân của công ty Prex Vinh cũng đã đình công yêu cầu công ty giải quyết các quyền lợi, chế độ làm việc đối với người lao động như: tăng tiền lương, việc cấp phát thẻ BHYT cho công nhân, các chế độ làm tăng ca, trợ cấp nuôi con nhỏ, ngày nghỉ phép…
Đến ngày 22/5/2012, toàn bộ số công nhân đã quay trở lại làm việc thế nhưng 8 công nhân đại diện cho công nhân trực tiếp đưa tiếng nói người lao động đến công ty lại bị chấm dứt hợp đồng lao động. Lý do công ty này đưa ra là do 8 người này “có hành động lôi kéo các công nhân khác đình công, ném đá vào công ty mà ban giám đốc chụp hình được”.
Sáng 17/7, đại diện UBND huyện Đô Lương, LĐLĐ huyện Đô Lương và các đoàn thể có mặt tại công ty Prex Vinh để nắm bắt tình hình và giải quyết vụ việc. Trong biên bản trả lời 9 kiến nghị của công nhân, phía công ty Prex Vinh thừa nhận một số phản ánh của công nhân là đúng như quản lý có chửi bới, dùng những lời lẽ thiếu văn hóa với công nhân, phụ cấp tiền ăn chưa thể điều chỉnh do năng suất sản xuất thấp…
Về nội dung tiền lương và quy định thời gian làm việc, theo ban giám đốc công ty thì công ty đã thực hiện đúng như Luật lao động. Sáng ngày 18/7, khi công nhân đến làm việc công ty hứa trả lời cụ thể 9 nội dung yêu cầu của công nhân và sẽ tiến hành chấm dứt hợp đồng lao động 8 công nhân mà công ty cho rằng tổ chức cuộc đình công và số công nhân không vào làm việc.
Ông Nguyễn Đăng Hồng - Chủ tịch LĐLĐ huyện Đô Lương, cho biết: “Sau khi có văn bản trả lời của công ty động viên công nhân vào làm việc, liên đoàn lao động huyện, các ngành chức năng sẽ giám sát việc thực hiện các nội dung mà công ty đã hứa thực hiện trong thời gian tới”.
Sáng ngày 17/7, hàng trăm công nhân nhà máy may Nam Đàn Hanosimex đóng tại cụm công nghiệp Nam Giang, Nam Đàn (Nghệ An) cũng đã đồng loạt nghỉ việc. Theo phán ảnh của các công nhân, nguyên nhân khiến họ đòi nghỉ việc là do nhà máy trả tiền lương quá thấp. Ngoài ra, với cách chi trả lương của nhà máy, số tiền hàng tháng của công nhân nhận được không thực sự rõ ràng; không biết số tiền mình được nhận tính như thế nào. Chị Nguyễn Thị H. - làm ở tổ 2, chuyền 4 cho biết: “Tháng 6/2013, tôi làm được 26 công và thêm 1 ngày chủ nhật mà tiền sản phẩm chỉ được tính hơn 856 ngàn đồng. Theo bảng lương của nhà máy thì tiền công làm ngày chủ nhật của tôi chỉ được tính hơn 34 ngàn đồng. Trong khi đó, quy định làm ngày chủ nhật phải tính tiền công gấp đôi, tại sao họ chỉ tính được có mấy chục ngàn?” Nhà máy may Nam Đàn Hanosimex bắt đầu đi vào sản xuất ngày 2/5/2013. Hiện nhà máy có trên 400 lao động hợp đồng ngắn hạn và hơn 200 học sinh học nghề. Dự kiến, cụm dệt may Nam Đàn Hanosimex với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, sẽ thu hút hơn 2.000 lao động địa phương và các xã, huyện vùng lân cận. |
Doãn Hòa - Nguyễn Duy