Gần 10 triệu cổ phiếu SHB khớp lệnh, 2 sàn đồng loạt tăng điểm
(Dân trí) - SHB phiên này được khớp lệnh rất mạnh, chiếm gần 42% sàn Hà Nội. HNX-Index tăng điểm, chấm dứt chuỗi giảm 10 phiên liên tiếp.
Phiên giao dịch sáng 7/11 chứng kiến sự bùng nổ của lực mua trên thị trường. Hàng loạt mã tăng trần và nhiều mã cuối phiên hầu như không còn dư bán.
Dẫn đầu thị trường về thanh khoản, SHB đạt mức giao dịch kỷ lục 9,82 triệu đơn vị được khớp lệnh, chiếm gần 42% tổng khối lượng khớp lệnh trên sàn Hà Nội. Dư mua còn tới hơn 3 triệu đơn vị vào cuối phiên, trong đó cầu giá sàn 1,87 triệu đơn vị. Hiện tại, SHB vẫn đang giữ mức giá tham chiếu 4.800 đồng.
Từ phiên giao dịch ngày 17/10 đến nay, SHB chưa có phiên nào tăng điểm, có 1 phiên giảm sàn, 8 phiên đứng giá (tính cả phiên sáng nay) và còn lại là giảm giá. Khớp lệnh đối với mã này thường đạt cao, nhất là từ phiên 30/10 đến nay, khối lượng khớp lệnh luôn trên 3 triệu đơn vị. Phiên 2/11, cổ phiếu này cũng được khớp tới hơn 8 triệu đơn vị.
Theo giới phân tích, sở dĩ SHB được khớp mạnh là do nhà đầu tư đang dành mối quan tâm ưu tiên đối với việc xử lý nợ xấu tại SHB. Tỷ lệ nợ xấu của Habubank trước sáp nhập là 23,66% (tương đương 3.729 tỷ đồng). Sau hơn 2 tháng sau sáp nhập, SHB đã thu hồi được hơn 1.000 tỷ đồng nợ cũ. Tuy nhiên, con số cụ thể vẫn chưa có do ngân hàng này chưa công bố Báo cáo tài chính quý III.
Ngoài ra, việc điều chuyển bà Bùi Thị Mai, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank) từ vị trí Phó Tổng giám đốc SHB xuống vị trí chuyên viên phòng thu hồi nợ cũng cho thấy quyết tâm xử lý nợ xấu của ngân hàng này.
Các mã ngân hàng khác như EIB và MBB đều tăng điểm. Riêng MBB vẫn được giao dịch khối lượng lớn với1,38 triệu cổ phiếu chuyển nhượng. VCB, CTG tăng trần ấn tượng, tuy nhiên giao dịch tại những mã này không đạt cao. CTG được khớp 661,2 nghìn đơn vị thì nhà đầu tư nước ngoài đã mua 407,5 nghìn cổ phiếu, chiếm gần 62%.
SBT đột ngột tăng trần cùng với KBC và ITA. Phiên này, giao dịch ở ITA đạt 2,8 triệu đơn vị được khớp, cuối phiên, dư mua giá trần còn gần 300 nghìn đơn vị, cầu giá sàn vẫn rất lớn, còn 1,1 triệu đơn vị dư mua.
Tại các mã cổ phiếu tăng trần nêu trên, cuối phiên hầu như không còn dư bán.
Trong khi VNM cầm giá tham chiếu thì MSN mất tới 1.500 đồng mỗi cổ phiếu. Vừa đây, công ty con của MSN là Masan Consumer đã công bố việc tăng vốn tại CTCP Vinacafé Biên Hòa lên 52,62% thông qua việc mua thêm 63 nghìn cổ phiếu VCF. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch của Masan Consumer mới chỉ đạt 63% so với tổng khối lượng đăng ký là 1 triệu đơn vị. Chốt phiên này, không có giao dịch nào phát sinh tại VCF.
Thông tin thoái vốn thành công khỏi PVR cũng đã hỗ trợ giá PVX tăng thêm 100 đồng/cp, khớp lệnh đạt hơn 1 triệu đơn vị. Tuy nhiên, cuối phiên, trong khi cầu mua giá sàn còn dư 701,3 nghìn đơn vị thì dư bán giá trần là 1,9 triệu cổ phiếu.
Áp lực bán với SCR giảm hẳn, lệnh đặt mua đối với mã này tăng đột biến trong phiên hôm nay. Tổng khối lượng khớp lệnh phiên này đạt 3,16 triệu đơn vị, cuối phiên còn dư mua hơn 1,3 triệu đơn vị. Tuy nhiên, mã này giảm giá 100 đồng còn 4.400 đồng/cp, cầu bắt đáy lớn với 829,4 nghìn đơn vị dư mua giá sàn vào cuối phiên.
BHS, STB phiên này giảm giá và giao dịch không đáng kể.
Cùng với khối lượng khớp lệnh "khủng" diễn ra ở SHB, SCR, PVX, tại VND cũng có 1,25 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, đã kéo khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội phiên này lên 23,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 147,9 tỷ đồng, cao hơn so với 21,1 triệu cổ phiếu được giao dịch tương ứng 222,8 tỷ đồng tại sàn TPHCM.
Phiên này, HoSE có 137 mã tăng, 61 mã tăng trần, áp đảo so với 49 mã giảm, 17 mã giảm sàn. HNX có 113 mã tăng, 36 mã tăng trần và 51 mã giảm, 31 mã giảm sàn.
Trong khi VN-Index tăng 2,61 điểm tương ứng 0,69% lên 379,56 điểm thì HNX-Index tăng 0,65 điểm tương ứng 1,28% lên 51,31 điểm, cắt đứt chuỗi giảm điểm 10 phiên liên tiếp.