Cổ phiếu Navibank khớp lệnh "khủng", chiếm 1/3 sàn Hà Nội

(Dân trí) - Với hơn 6 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, NVB đã đẩy tổng khối lượng khớp lệnh trên HNX lên cao hơn HoSE. Đây là phiên thứ 10 liên tiếp chỉ số HNX-Index giảm điểm. Phiên này, EIB được thỏa thuận trên 4 triệu đơn vị.

Giao dịch thỏa thuận đối với EIB thời gian gần đây rất mạnh.
Giao dịch thỏa thuận đối với EIB thời gian gần đây rất mạnh.

Trong phiên giao dịch hôm nay, mặc dù đã chặn được phiên bán tháo như phiên 2/11 và phiên hôm qua, song STB và SBT vẫn giảm điểm. STB mất nhẹ 100 đồng, SBT mất 700 đồng/cp. Khớp lệnh của STB chỉ còn 276 nghìn đơn vị, tại SBT là 967 nghìn đơn vị.

SCR giảm sàn, còn 4.500 đồng/cp, khớp lệnh đạt 1,9 triệu đơn vị. Cuối phiên mã này còn dư bán giá sàn 2,3 triệu đơn vị.

Đây đều là những mã cổ phiếu mà các thành viên gia đình ông Nguyễn Văn Thành nắm giữ. Được biết, chiều hôm qua, Sacombank đã tổ chức họp xem xét, giải quyết đơn từ nhiệm thành viên HĐQT của ông Đặng Văn Thành. Phiên họp này có mặt ông Đặng Hồng Anh, Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank còn ông Thành vắng mặt do phải làm việc với cơ quan điều tra.

Nguyện vọng rút khỏi HĐQT Sacombank của ông Thành sẽ được quyết định tại ĐHCĐ thường niên hoặc ĐHCĐ bất thường tổ chức thời gian tới. Như vậy, người sáng lập Sacombank chưa thể thôi chức thành viên HĐQT tại ngân hàng này.

Các mã ngân hàng ACB, EIB đứng giá tham chiếu, MBB tăng điểm, khớp trên 700 nghìn đơn vị. VCB, SHB, CTG mất điểm.

Giao dịch tại SHB vẫn sôi động. Khối lượng khớp lệnh ở mã này đạt 3,1 triệu đơn vị, cuối phiên còn dư mua trên 2 triệu đơn vị. Được biết, ngân hàng này đã có quyết định điều chuyển bà Bùi Thị Mai - Phó Tổng giám đốc, nguyên Tổng giám đốc HBB về làm chuyên viên phòng thu hồi nợ.
Bất ngờ đến từ NVB. Giao dịch ở mã này hầu như không nhiều, song phiên sáng đã khớp hơn 6 triệu đơn vị bằng 1/3 tổng khối lượng khớp lệnh ở HNX. Trước đó, phiên 30/10, giao dịch ở NVB cũng cao đột biến với trên 8 triệu cổ phiến được chuyển nhượng.

EIB phiên này tiếp tục được thỏa thuận 4,2 triệu cổ phiếu tại mức giá 15.300 đồng, cao hơn giá tham chiếu, trị giá gần 65 tỷ đồng.

Hôm qua, PVX đã chính thức rút chân khỏi PVR với việc chuyển nhượng toàn bộ trên 18 triệu cổ phần PVR cho OGC và Công ty TNHH VNT.

Công ty sẽ còn tiếp tục thoái vốn hoàn toàn tại các doanh nghiệp bất động sản và các lĩnh vực đầu tư khác. Theo kế hoạch, sẽ chỉ giữ lại dưới 10 đơn vị thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây lắp dầu khí trên bờ.

Thông tin này đã đẩy lực mua đối với PVX lên rất mạnh trong phiên sáng nay. Tăng 100 đồng, PVX được khớp 1,28 triệu đơn vị, cuối phiên còn dư mua gần 1,3 triệu đơn vị. Còn giá OGC lại giảm 100 đồng, khớp lệnh chưa tới 300 nghìn đơn vị. PVR thậm chí chỉ khớp 500 đơn vị. Thị giá chỉ còn 3.200 đồng/cp.

So mức chuyển nhượng bằng mệnh giá 10.000 đồng/cp của 18,15 triệu cổ phần PVR của PVX ngày hôm qua thì tổng giá trị của số cố phẩn chuyển nhượng đã cao gần gấp 3 mệnh giá, mặc dù giá trị của PVR hiện tại rất thấp so mức 29.000 đồng/cp phiên đóng cửa đầu tiên.

ITA leo lên giá trần ngay từ đầu phiên nhưng hiện tượng bán giá trần lại rất lớn. Đến cuối phiên, cả ITA và KBC đều giảm sàn, dư bán giá trần tại ITA còn 844 nghìn cổ phiếu. Khối lượng khớp ITA đạt 906 nghìn đơn vị và tại KBC là 525 nghìn đơn vị. Trên bảng giá, lệnh đặt mua đối với KBC trắng trơn.

Cả FPT, MSN, VNM phiên này đều cầm giá tham chiếu, khối lượng giao dịch thấp.

Đóng cửa, VN-Index giảm 1,62 điểm, lùi tiếp về 375,65 điểm. Trước đó, trong phiên, chỉ số này đã có lúc tăng. Khối lượng khớp lệnh tại HoSE phiên này đạt 13,9 triệu đơn vị, tương ứng trị giá 160,3 tỷ đồng/

HNX-Index giảm phiên thứ 10 liên tiếp, còn 50,41 điểm, mất 0,67%. Do giao dịch tại NVB, SHB đạt cao nên đã đẩy khối lượng cổ phiếu được chuyển nhượng ở HNX lên 18,98 triệu đơn vị, cao hơn HoSE, tổng trị giá 112,2 tỷ đồng.

Toàn sàn sáng này có gần 100 mã tăng điểm, 33 mã tăng trần trong khi vẫn còn 194 mã giảm và 75 mã giảm sàn.

Mai Chi