G8 xoá nợ 40 tỉ USD cho các nước nghèo

Bộ trưởng Tài chính nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8) hôm 11/6 tuyên bố sẽ xoá 100% nợ với tổng trị giá 40 tỉ USD cho 18 nước nghèo nhất thế giới.

40 tỉ USD nợ của các nước nghèo nhất sẽ được huỷ bỏ ngay lập tức" - Bộ trưởng Tài chính Anh Gordon Brown thông báo sau 2 ngày họp của các bộ trưởng tài chính G8 tại London. "Tôi có thể khẳng định rằng, đây là một thoả thuận toàn diện nhất mà chúng tôi từng đạt được từ trước tới nay về vấn đề nợ, phát triển, sức khoẻ và nghèo đói" - ông nhấn mạnh.

Theo thỏa thuận trên, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Quỹ Phát triển Châu Phi sẽ xoá hoàn toàn nợ cho 18 nước nghèo nhằm giúp họ tập trung nguồn tài chính cho các dự án phát triển, cải thiện y tế và giáo dục.

Các quốc gia được hưởng lợi bao gồm: Benin, Bolivia, Burkina Faso, Ethiopia, Ghana, Guyana, Honduras, Madagascar, Mali, Mauritania, Mozambique, Nicaragua, Niger, Rwanda, Senegal, Tanzania, Uganda và Zambia. Đây là những nước đầu tiên được xác định đủ tiêu chuẩn xoá nợ theo sáng kiến chung của 3 tổ chức tài chính nói trên. "Chúng tôi hiểu rõ tình trạng khốn khó của các nước nghèo và đang hướng tới những hành động cần thiết" - ông Brown nói.

Theo ông Brown, ngoài 18 nước được xoá nợ ngay lập tức, 9 quốc gia khác sẽ được xoá nợ dần dần trong vòng 12-18 tháng tới, với tổng số nợ trị giá 11 tỉ USD. 11 quốc gia cũng sẽ được đề nghị xóa 100% khoản nợ trị giá 4 tỉ USD nếu họ đáp ứng các tiêu chuẩn như chính phủ điều hành tốt, chấm dứt xung đột và chống tham nhũng. Như vậy, tổng số nợ mà các nước giàu cam kết sẽ xoá bỏ cho các nước nghèo lần này, lên đến 55 tỉ USD.

Cũng trong tuyên bố của mình, các bộ trưởng G8 nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2005 dự kiến vẫn duy trì ở mức cao, nhưng với nhịp độ chậm rãi hơn. "Việc giá nhiên liệu tăng cao liên tục là lo ngại chính bởi nó tác động đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu" - các bộ trưởng nhấn mạnh.

G8 cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay đối với nền kinh tế thế giới là sự mất cân bằng liên tục trên quy mô toàn cầu, giá dầu tăng cao, lại hay biến động và sự cần thiết phải cân bằng những khía cạnh tích cực của quá trình toàn cầu hoá đối với tất cả các nước. Các bộ trưởng nhất trí rằng, để khắc phục những tồn tại trên, những vấn đề chính cần làm là củng cố cơ cấu tài chính ở Mỹ, cải cách cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa ở Châu Âu và Nga, cải cách cơ cấu và củng cố hệ thống tài chính ở Nhật Bản.

Lao động (Theo AFP)