"Flex" - khoe mẽ kệch cỡm hay tạo động lực tích sản?

Thảo Thu

(Dân trí) - Nhiều người trẻ đang flex khoe mẽ tài sản, số khác chọn flex tiêu sản. Vậy nhìn nhận về tiêu sản và tài sản thế nào cho chuẩn để có thể flex (khoe khoang có chủ đích) thuyết phục?

Từ khóa "flex" đang tạo ra một xu hướng mới với việc xuất hiện khá phổ biến trên các nền tảng như Facebook hay TikTok. Hiểu một cách đơn giản thì flex là việc khoe khoang có chủ đích. Giờ đây, "trend flex" không còn mang nghĩa khoe khoang kệch cỡm mà mang lại sự hài hước, tích cực…

Tại chương trình "Flex gì cho ngầu: Tài sản hay tiêu sản?" được tổ chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội, nhóm sinh viên đưa ra cái nhìn về câu chuyện flex làm sao cho thuyết phục.

Flex tài sản hay tiêu sản?

Duy Thành - sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội - cho rằng trend "flex" xuất hiện gần đây không những gây tiếng cười mà tạo động lực cho những người xung quanh cố gắng.

Cụ thể, Thảo Hiền - sinh viên Học viện Ngoại giao - cho rằng flex có 2 trường phái là tài sản và tiêu sản.

Flex tài sản được hiểu là việc khoe khoang những tài sản hữu hình (nhà, tiền…) và tài sản vô hình (một chương trình thiện nguyện, một khóa học…). Còn flex tiêu sản lại là việc khoe khoang những thứ không sinh lời, thậm chí tốn thêm tiền của người sở hữu.

Hoài An - sinh viên Học viện Ngoại giao - đưa ra quan điểm ủng hộ việc flex tài sản. "Dù flex thế nào thì đó cũng mang lại giá trị cộng đồng nhất định khi cho mọi người thấy được hành trình gặt hái những điều mình đạt được, từ đó tạo động lực cho người khác cố gắng, tiến bộ", nữ sinh nói.

Hoài An cho rằng sức mạnh của lời khen và sự công nhận của cộng đồng còn giúp người đang flex có thêm động lực phấn đấu hơn nữa. Như vậy, flex tài sản có tác động tích cực đến cả 2 đối tượng.

Flex tiêu sản có xấu?

Dù flex tài sản được ủng hộ, một nhóm sinh viên khác đến từ Đại học Bách khoa lại cho rằng không nên có cái nhìn tiêu cực về việc flex tiêu sản.

Hoàng Vũ định nghĩa tiêu sản là những thứ phải bỏ tiền ra mua nhưng sau một thời gian, những thứ này không sinh lời, ngược lại sẽ tốn thêm tiền để duy trì. Đơn cử, khi mua một chiếc ô tô, sẽ phải trả thêm nhiều chi phí (bảo hiểm, bảo dưỡng, sửa chữa…). Chưa kể, nếu sau này chủ sở hữu bán đi, chiếc xe sẽ mất giá.

Tuy nhiên, theo Nam Khánh, việc chiếc ô tô này là tài sản hay tiêu sản cần phải mở rộng cách nhìn. Nam sinh cho rằng nếu sử dụng chiếc xe đi đến cơ quan làm việc tạo ra thu nhập, thì việc flex chiếc xe là công cụ kiếm tiền được xếp vào flex tài sản.

Flex - khoe mẽ kệch cỡm hay tạo động lực tích sản? - 1

Chuyên gia cho rằng giới sẽ cần cách tiếp cận với tiêu sản tích cực hơn (Ảnh: Mạnh Quân).

Thảo Hiền cũng cho rằng việc flex những thứ được cho là tiêu sản không có gì sai và đáng lên án, bởi mỗi người đều được tự hào về những thành tựu mình đạt được. Những thứ được xếp vào hàng tiêu sản, theo nữ sinh, thậm chí còn là công cụ giúp mỗi người tái tạo sức lao động, từ đó làm việc hiệu quả hơn.

"Việc đầu tư vào những thứ tiêu sản, sẽ giúp ta kiếm được tiền để tích lũy tài sản", sinh viên này nhấn mạnh khái niệm tài sản và tiêu sản chỉ mang tính định tính.

PGS Đào Thanh Bình - Trưởng bộ môn Quản lý tài chính, Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội - đồng tình với nhận định cần biến tiêu sản thành tài sản. "Tôi hy vọng giới sẽ có cách tiếp cận với tiêu sản tích cực hơn. Điều quan trọng nhất là từ tiêu sản, có thể tạo ra tài sản", ông Bình nói.

Thực tế, đầu tư cho diện mạo, năng lực bản thân - vốn là những thứ hữu hình và được cho là tiêu sản - lại có thể khiến mỗi người tìm được công việc như ý để từ đó kiếm tiền. Khi có tiền, con người có thể đầu tư và tích lũy tài sản.

Theo ông Bình, trong cuộc sống mỗi người không thể chỉ có tài sản hoặc tiêu sản, mà tất cả phải cân bằng. Nếu biết biến tiêu sản thành tích sản và hình thành tài sản, sẽ nâng cao thêm lợi ích mỗi người.

Chuyên gia và các sinh viên đều đồng tình việc flex tiêu sản không có gì xấu, điều quan trọng là cách nhìn nhận và biến đó thành tài sản trong tương lai của người đang flex.

Ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng kiêm Trưởng ban Đào tạo và Phát triển Công ty cổ phần Chứng khoán SSI - lưu ý thêm với các bạn sinh viên việc khi còn trẻ, chưa đi làm là giai đoạn tích lũy tài sản khó nhất.

Tuy nhiên, nếu không biết cân bằng số tiền chi tiêu và tích lũy, kể cả đến sau này, khi lương dù có tăng lên hàng chục triệu, hàng trăm triệu đồng vẫn sẽ không có tiền.

"Điều quan trọng nhất vẫn là thái độ tích lũy, dù có bao nhiêu tiền và dù ở độ tuổi nào", ông Hưng nhấn mạnh.