1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

FLC nói gì về vụ người dân Sầm Sơn đòi trả lại bờ biển?

(Dân trí) - Tập đoàn này khẳng định với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: "không liên quan gì đến các khiếu kiện, khiếu nại của người dân cũng như việc người dân tập trung đông người tại UBND tỉnh Thanh Hóa. Trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương liên quan đến các chính sách đền bù, hỗ trợ người dân".

Trong nhiều ngày nay, hàng trăm người dân Sầm Sơn vây trụ sở chính quyền đòi lại bờ biển
Trong nhiều ngày nay, hàng trăm người dân Sầm Sơn vây trụ sở chính quyền đòi lại bờ biển

Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã FLC) vừa có văn bản gửi Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) liên quan đến sự việc người dân Sầm Sơn tụ tập đông người trước UBND tỉnh Thanh Hóa để phản đối việc UBND tỉnh giao bãi biển Sầm Sơn cho Tập đoàn FLC.

Trong văn bản này, ông Trần Thế Anh - người phát ngôn của tập đoàn này khẳng định, FLC "không liên quan gì đến các khiếu kiện, khiếu nại của người dân cũng như việc người dân tập trung đông người tại UBND tỉnh Thanh Hóa. Trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương liên quan đến các chính sách đền bù, hỗ trợ người dân..."

Theo FLC, dự án cải tạo nâng cấp bãi biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương là một trong hai dự án đang được tập đoàn này triển khai tại Thanh Hóa. Dự án bao gồm việc xây dựng các kios, điểm tắm tráng, chỉnh trang cảnh quan đô thị trên toàn bộ tuyến đường có chiều dài 3,5 km với tổng mức đầu tư 315 tỷ đồng. Thời hạn hoàn thành là trước ngày 30/4 tới.

Tại dự án này, chủ đầu tư là UBND thị xã Sầm Sơn và thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Theo như ông Thế Anh thì FLC "nhận mặt bằng sạch từ chủ đầu tư và đang tích cực triển khai dự án" đồng thời khẳng định các thủ tục pháp lý và quá trình đấu thầu dự án được thực hiện đúng theo quy định.

Trong hơn một tuần nay, hàng trăm người dân xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn liên tục tập trung trước cổng UBND tỉnh Thanh Hóa để đòi "trả lại bờ biển cho dân" kiếm kế sinh nhai. Nhiều người dân đề nghị chính quyền địa phương để lại 500 - 1.500 m bờ biển để làm bến thuyền.

Tại buổi đối thoại với ngư dân sáng nay, ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa khẳng định, tỉnh chưa có chỉ đạo về việc di dời bến thuyền và người dân được tiếp tục công việc làm ăn như trước đây.

Bích Diệp

FLC nói gì về vụ người dân Sầm Sơn đòi trả lại bờ biển? - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm