Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm đối với VietinBank

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Theo kết quả xếp hạng tín nhiệm thường niên năm 2022 của Fitch Ratings công bố ngày 17/11, bậc tín nhiệm của VietinBank được nâng từ mức "BB-" lên "BB" và giữ triển vọng tích cực.

Việc nâng xếp hạng tín nhiệm của VietinBank được cân nhắc tổng thể từ 5 yếu tố. Theo đó, VietinBank là ngân hàng thương mại lớn, có thị phần trọng yếu trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng tại Việt Nam. Fitch Ratings cho rằng Chính phủ Việt Nam thuộc nhóm tích cực và sẵn sàng hỗ trợ hệ thống ngân hàng, trong đó có VietinBank. Do đó, Fitch đã nâng định hạng hỗ trợ của Chính phủ đối với VietinBank (Government Support Rating - GSR) ngang với định hạng Quốc gia.

Cùng với đó Fitch đã điều chỉnh triển vọng về môi trường hoạt động (Operating environment) của VietinBank từ ổn định thành tích cực.

Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm đối với VietinBank - 1
Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm đối với VietinBank (Ảnh: VietinBank).

Triển vọng thu nhập và khả năng sinh lời của VietinBank đều được cải thiện trong thời gian qua, đệm dự phòng rủi ro cao, hiệu quả hoạt động dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững. Nhờ đó, Fitch đã điều chỉnh triển vọng về thu nhập và khả năng sinh lời (Earnings and Profitability) của VietinBank từ ổn định lên tích cực.

Nguồn vốn và thanh khoản được đánh giá ổn định khi linh hoạt sử dụng cả nguồn tiền gửi từ tổ chức kinh tế, dân cư và tiền gửi trên thị trường liên ngân hàng, đảm bảo an toàn.

Theo đại diện VietinBank, việc Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm đối với ngân hàng góp phần khẳng định hoạt động hiệu quả, bền vững cũng như uy tín, vị thế của VietinBank trên thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 của VietinBank, tổng tài sản đạt 1,751 triệu tỷ đồng, tăng 14,3% so với cuối năm 2021. Tiền gửi của khách hàng tăng 2,4% so với cuối năm 2021. Cho vay khách hàng tăng 10,1% so với cuối năm 2021, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh hồi phục sau dịch, phù hợp với diễn biến chung toàn ngành và tối ưu hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Chi phí dự phòng 9 tháng 2022 tăng 33% so với cùng kỳ năm 2021, tỷ lệ bao phủ nợ xấu là 222,4%, tăng 42% so với cuối năm 2021. Theo đó, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 15.800 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2021.