FED tăng lãi suất, "gánh nợ" của các nước đi vay ở châu Á nặng hơn
(Dân trí) - FED tăng lãi suất sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng của các nước mới nổi ở châu Á, làm gia tăng gánh nặng nợ cho các nước đi vay, khiến họ ngày càng ràng buộc vào nền kinh tế Mỹ. Trong khi đó, xu hướng bảo hộ cục bộ thị trường gia tăng, có nguy cơ khiến tăng trưởng xuất khẩu của các nước châu Á chững lại.
Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng HSBC vừa đưa ra nghiên cứu nhận định về tác động tăng lãi suất đồng USD đối với kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.
Cụ thể, các nhà kinh tế HSBC cho biết, 4 tháng qua FED đã tăng lãi suất 2 lần là điều đã được dự đoán từ trước và dự báo trong năm 2017, FED sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất hơn (bởi sẽ còn hai đợt điều chỉnh lãi suất tiếp sau). Động thái thắt chặt tín dụng này của Mỹ có thể ngày càng ràng buộc các nền kinh tế châu Á vào Mỹ.
Đưa ra phân tích, các chuyên gia kinh tế HSBC cảnh báo, tác động lớn nhất FED tăng lãi suất là nợ. So với chu kỳ thắt chặt của FED vừa rồi, tình hình vay nợ của các nước trong khu vực châu Á khá cao. Chính vì vậy, ngay cả sự gia tăng biên độ nhỏ cũng góp phần tác động đến nhu cầu cuối cùng tăng nhanh hơn so với trước đây. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến cả hoạt động tiêu dùng cũng như đầu tư vào các nước châu Á.
“Nợ của các nước sẽ không thành vấn đề nếu xuất khẩu tăng cao, bù đắp cho những lực kéo do lãi đồng USD sinh ra trong nước. Tuy nhiên, không có nghĩa là các nền kinh tế châu Á sẽ có được thời kỳ bùng nổ xuất khẩu như những năm 2000, khi lượng hàng xuất khẩu ở các nước mới nổi ở châu Á tăng khoảng 15%”, HSBC cảnh báo.
Theo nhận định của HSBC, kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra năm 2008, con số xuất khẩu dao động gần 4%, và trong vài năm gần đây lượng hàng xuất vẫn giữ nguyên không thay đổi. Các chuyên gia lo ngại xuất khẩu sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi xu hướng bảo hộ thị trường gia tăng và hình thành các hàng rào mới đối với hàng xuất khẩu.
Việc duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu bền vững - một khoản đủ lớn để bù đắp cho khu vực châu Á đang bị lực đẩy từ lãi suất đồng USD cao hơn có thể khó khăn hơn bởi một số công ty ở Mỹ và châu Âu đã và đang quay lại tự sản xuất vì chi phí nhân công ở phương Đông đã không còn cạnh tranh nhiều nữa.
Vì vậy, so với những năm 2000 thì hiện nay nợ cao hơn nhiều, và xuất khẩu ít “sống động” hơn. Trong bối cảnh này, việc tăng lãi suất của FED là một điểm tiêu cực đối với tình hình tăng trưởng tăng trưởng ở các nước châu Á mới nổi.
Bên cạnh đó, HSBC cho rằng, các ngân hàng trung ương châu Á không phải theo từng bước của FED nên chính sách tiền tệ giữa Đông và Tây sẽ tiếp tục bất đồng trong vài năm tới. Một phần, khu vực châu Á có đủ khả năng lo liệu việc này do cán cân xuất khẩu vẫn còn tương đối mạnh mẽ, và Trung Quốc là điển hình, bởi họ vẫn còn kiểm soát nguồn vốn tương đối hiệu quả.
HSBC nhận định, nếu FED tiếp tục theo đuổi đường hướng tăng lãi suất của mình, những "người đi vay" ở châu Á chắc chắn sẽ cảm nhận được mức độ thắt chặt. Ông Kevin Logan, chuyên gia kinh tế trưởng của HSBC tại Mỹ cho rằng: “Chúng tôi không tin rằng lãi suất đồng USD sẽ tăng lên nhanh chóng năm nay song nếu lãi suất cứ tăng mỗi 25 điểm phần trăm thì sẽ tăng thêm gánh nặng cho khu vực này”.
Nguyễn Tuyền