1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

"FED tăng lãi suất có thể khiến tỷ giá và lãi suất tiền đồng tăng"

(Dân trí) - Chia sẻ về sự kiện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa tăng lãi suất lần thứ 2 trong vòng 3 tháng qua, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng cho rằng: FED tăng lãi suất sẽ gây 4 rủi ro cho tài chính toàn cầu, trong đó Việt Nam sẽ chịu 2 rủi ro: lãi suất tăng và tỷ giá tăng.

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng (ảnh Nguyễn Tuyền)
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng (ảnh Nguyễn Tuyền)

Ngày 16/3, FED đã chính thức tăng lãi suất cơ bản đồng USD thêm 0,25%, theo ông đây có phải là sự bất thường của nền kinh tế Mỹ và động thái này đã và đang tác động gì cho tài chính thế giới, trong đó có Việt Nam?

- FED quyết định tăng lãi suất lần 2 trong 3 tháng, đây là mức tăng khá là sớm bởi thông thường FED sẽ xem xét tăng lãi suất trong vòng 6 đến 12 tháng mỗi năm.

Nguyên nhân thứ nhất, ở đây thể hiện nền kinh tế Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung đã phục hồi ở mức ấn tượng. FED có thể muốn thắt chặt chính sách tiền tệ. Nguyên nhân thứ 2 là với chính của Tổng thống Donald Trump, Mỹ sẽ nới lỏng chính sách tài khóa và giảm thuế để muốn thu hút các doanh nghiệp (DN) Mỹ quay về nước sản xuất.

Điều này có thể tạo ra động lực tăng trưởng rất nóng đối với nền kinh tế Mỹ và FED cũng cần phải có những động thái chính sách sớm để kiểm soát tăng trưởng "nóng" đặc biệt là lạm phát, và những chỉ số giá cả trên thị trường Mỹ.

Tôi nghĩ rằng, những gì diễn ra ở nội bộ kinh tế Mỹ, thời điểm tăng lãi suất của FED hiện nay khá phù hợp, và khi mà FED tăng lãi suất thì cũng sẽ tác động đến thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Là nền kinh tế lớn, USD là đồng tiền mạnh của thế giới, việc FED điều chỉnh lãi suất sẽ có những tác động rất lớn đến các đồng tiền của thế giới và Việt Nam sẽ phải lường trước những rủi ro gì, thưa ông?

- Hiện tại, khi FED tăng lãi suất, tôi đánh giá có 4 tác động lớn đối với thị trường tài chính thế giới và ở cấp quốc gia, Việt Nam có thể gánh chịu 4 rủi ro, cần đo lường và có giải pháp.

Một là, tác động đến lãi suất của các đồng tiền trên thế giới. Khi FED tăng lãi suất, không chỉ các đồng tiền chung như Euro, Bảng, Yên mà các đồng tiền trên thế giới khác cũng chịu tác động bởi lãi suất đồng USD toàn cầu tăng, kéo theo lãi suất của các đồng tiền khác phải tăng theo, Việt Nam nằm trong rủi ro này.

Hai là áp lực đối với tỷ giá, khi FED tăng lãi suất cộng với chính sách của Tổng thống Donald Trump thì giá USD sẽ được dự báo tăng lên khá là nhiều trong năm nay. Khi USD tăng giá tạo áp lực tăng giá đối với nhiều loại hàng hoá, giảm giá với nhiều loại ngoại tệ khác nhau trong đó có Việt Nam đồng, nguy cơ các nước nhập khẩu nhiều sẽ gia tăng nhập siêu, nước xuất khẩu sẽ được lợi.

Ba là áp lực dẫn đến việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư. Tức là dòng vốn đầu tư sẽ dịch chuyển từ những nước đang phát triển hay là mới nổi trong đó cũng có thể có cả Việt Nam để quay về Mỹ, EU đầu tư với lãi suất cao hơn, ít rủi ro về giá.

Bốn là tác động đến nợ công và nợ nước ngoài. Nhiều nước trong bối cảnh nợ nước ngoài vẫn được tính bằng USD, bằng lãi suất USD trong thời gian vừa qua. Nợ nước ngoài của toàn cầu ở các nước đang phát triển tăng gấp đôi trong 8 năm qua. Điều này tạo ra gánh nặng trả nợ, gánh nặng lãi suất đối với các nước này lớn hơn khi đồng USD tăng giá trong thời gian tới.

Đấy là 4 rủi ro với thế giới. Còn đối với Việt Nam, chúng ta cần phải cảnh tỉnh chủ yếu đối với 2 rủi ro: Lãi suất và tỷ giá. Đối với nợ nước ngoài thì chúng ta không đáng quan ngại vì trong cơ cấu nợ nước ngoài của chúng ta thì USD chiếm khoảng 35 - 40% còn lại là đồng Yên (Nhật Bản), đồng Euro (EU), Nhân dân tệ (Trung Quốc)... những sự tăng giảm lãi suất của các đồng tiền này sẽ dung hòa lẫn nhau, có cái tăng, cái giảm và chúng ta không nên lo lắng.

Còn về dịch chuyển dòng vốn thì 2 tháng đầu năm qua dòng vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp lẫn gián tiếp vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng, chứng tỏ chúng ta là địa điểm hấp dẫn đối với nhà đầu tư và dòng vốn chưa dịch chuyển đi. Tuy nhiên, chúng ta không thể chủ quan và cần đưa ra các cách ứng phó mới.

Khi FED tăng lãi suất, giá vàng trong nước tăng, giá USD lại giảm, đây là điều khá lạ bởi thường USD tăng giá vàng giảm, do người tích trữ vàng chuyển sang USD tăng cao hơn, ông bình luận gì về điều này?

- Đây là một hiện tượng rất thú vị. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư trong nước đã dự báo đước FED tăng lãi suất cách đây 1 tháng nên khi đó giá USD, các chỉ số chứng khoán đã tăng rất tốt trong 1 tháng qua.

Đến hiện nay, khi FED chính thức hiện thực hóa kỳ vọng đó, các nhà đầu tư mới thấy rằng dự báo đó là đúng và nó đã được tính vào giá cả USD trước đó rồi. Đến giờ người ta bắt đầu băn khoăn là nếu như như vậy thì liệu có xảy ra 4 hiện tượng như tôi phân tích vừa xong hay không. Nó có tạo rủi ro trái chiều, tiêu cực với nhiều nước hay không. Khi rủi ro dự báo tăng lên thì lập tức giá vàng tăng lên, đó là mặt logic của vấn đề.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Tuyền
(Lược ghi)