FDI - Trước những tấm Huân chương thầm lặng
(Dân trí) - Công cuộc đổi mới - thu hút FDI để xây dựng và phát triển đất nước trong những năm vừa qua đã không hổ thẹn trước những tấm Huân chương thầm lặng
Công cuộc đổi mới - thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gắn liền với công lao của các Anh hùng, liệt sĩ trong suốt gần 3 thập kỉ qua. Gần 30 năm kể từ 12/1987 (năm Luật đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, nay là Luật đầu tư ra đời), cùng với hàng loạt các công trình, nhà máy có vốn FDI mọc lên khắp nơi, đã có nhiều tượng đài, nghĩa trang - như các tấm Huân chương gắn trên ngực các làng, xã, huyện, thị, thành phố, các địa phương trong cả nước cũng đã được xây dựng “Đàng hoàng hơn - To đẹp hơn" ghi công lao, tưởng nhớ đến những người con Đất Việt đã hy sinh vì Độc lập, Tự do của Tổ Quốc.
Các tấm Huân chương đó luôn nhắc những người đang sống về quá khứ hào hùng, truyền thống yêu nước của các thế hệ Cha, Anh đi trước phải được duy trì, phát huy trên mọi mặt trận: không chỉ trong chiến tranh, trên chiến trường, mà còn trong cả hòa bình xây dựng đất nước hôm nay, trong thị trường hội nhập với kinh tế quốc tế.
Công cuộc đổi mới - thu hút FDI để xây dựng và phát triển đất nước trong những năm vừa qua đã không hổ thẹn trước những tấm Huân chương đó.
Trên mặt trận kinh tế, FDI đã có những đóng góp không nhỏ vào việc phát huy quá khứ hào hùng và truyền thống yêu nước của Cha, Anh. Tuy không có máu đổ trực tiếp như trên chiến trường, nhưng tại các công trình, nhà máy trong lĩnh vực kinh tế này, cũng đã có biết bao công sức và nhưng giọt mồ hôi của hàng vạn con người từ những lao động giản đơn, công nhân, kĩ sư, các nhà quản lý, đến các nhà khoa học,…trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, đã đổ xuống để cùng nguồn vốn tư nhân FDI này xây dựng đất nước sau chiến tranh, để đời sống người dân, điều kiện và vị thế của đất nước đã được nâng cao.
Các kết quả đóng góp cụ thể của FDI trong suốt gần 30 năm qua đã được ghi nhận: Hội nghi Tổng kết 25 năm Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam năm 2013 đã xác nhận một nguồn vốn lớn gần 100 tỷ USD với hàm lượng công nghệ cao, kinh nghiệm quản lý tiên tiến đã được thực hiện tại Việt nam (chiếm gần 50% số vốn đăng kí), giúp cho khu vực kinh tế này phát triển năng động với tốc độ phát triển GDP cao hơn tốc độ tăng trưởng cả nước.
Tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI tăng dần, từ 2% GDP (năm 1999) lên 12,7% (năm 2000),16,98% (2006 ), 18,97% (2011 ). Hiện nguồn vốn này chiếm tới 22,75% tổng vốn đầu tư xã hội (2001 - 2011). Đầu tư nước ngoài đã nâng cao năng lực xuất khẩu, giúp Việt Nam từng bước tham gia và cải thiện vị trí trong hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần ổn định thị trường trong nước, cung cấp cho thị trường nội địa các sản phẩm có chất lượng cao.
FDI cũng đã đóng góp vào ngân sách nhà nước ngày càng cao, từ 1,8 tỷ USD (1994 - 2000) lên 3,7 tỷ USD trong 2012 (không kể dầu thô), chiếm 14,9% tổng thu ngân sách (18,7% tổng thu nội địa, trừ dầu thô). Hiện tại, khu vực FDI tạo ra trên 2 triệu lao động trực tiếp và khoảng 3-4 triệu lao động gián tiếp, có tác động mạnh đến chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng CNH - HĐH…
Các thành tựu nêu trên của FDI đã chứng minh được tấm lòng biết ơn của những người đã được cầm súng ra trận trở về, cũng như của những người chưa được cầm súng ra trận và của thế hệ trẻ hiện nay trên mặt trận kinh tế đối với các Anh hùng, liệt sĩ.
Quá trình xây dựng hành lang pháp lý cho FDI hoạt động tại Việt Nam, mà cụ thể là quá trình xây dựng và điều chỉnh Luật đầu tư trong các năm 1987-1990-1992-1995-2000-2005-2014 cho thấy sự nhất quán trong chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với FDI.
Bên cạnh việc đảm bảo các điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài, một nguyên tắc cơ bản nhất "An ninh Quốc gia và Lợi ích Dân tộc" được đặt lên hàng đầu trong thực thi chính sách thu hút FDI. Một số lĩnh vực cấm đầu tư đã được công khai.
Các qui hoạch vùng, ngành cũng đã được xác định. Việc thực thi chính sách và quản lý FDI của đội ngũ cán bộ,công chức các cấp ngày càng có trách nhiệm hơn. Trên nền tảng đó, trong suốt gần 30 năm qua, không những FDI đã không tạo ra sự bất ổn nào đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia, mà còn góp phần củng cố thêm sức mạnh quốc phòng của đất nước trên cơ sở có sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trong quá trình hội nhập; bên cạnh việc các nhà đầu tư nước ngoài lên tiếng phản đối để bảo vệ Việt Nam, bảo vệ tài sản của họ đang đầu tư khi có những mối đe dọa từ bên ngoài.
Công cuộc đổi mới - thu hút FDI với một thế hệ trẻ mới tài năng, sáng tạo, trách nhiệm đã cho thấy họ đã hiểu "đằng sau những đóng góp của FDI, cũng còn nhiều những bất cập, những mặt trái của những tấm Huân chương - cần được khắc phục sớm". Đó là, sự quản lý Nhà nước đối với FDI còn bị buông lỏng ở một số lĩnh vực, một số địa phương. Tại các lĩnh vực, địa bàn đó còn có các dự án Treo nhiều năm không thực hiện; thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng; còn các doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm môi trường...
Trên cơ sở đó cho thấy: Công cuộc đổi mới - thu hút FDI trong thời gian tới sẽ được thực hiện có hiệu quả hơn, bền vững hơn - không phụ công ơn và lòng tin vào tương lai của các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc.
TS. Phan Hữu Thắng