EVN xoay xở lo đủ điện cho miền Nam trong mùa khô

(Dân trí) - Mặc dù năm 2014, dự kiến nhu cầu sử dụng điện vào mùa khô sẽ tăng cao, diễn biến thủy văn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất lợi, nhưng EVN vẫn khẳng định, hệ thống đủ cung ứng nhu cầu của cả nước nói chung cũng như khu vực miền Nam nói riêng.

Nhu cầu điện có thể tăng đột biến trong mùa khô 2014

Nhu cầu điện có thể tăng đột biến trong mùa khô 2014

Nói về điều kiện sản xuất, cung ứng điện thời điểm hiện tại, ông Phùng Tiến Dũng - Phó phòng Dự báo Thủy văn Trung Bộ - Tây Nguyên - Nam Bộ (Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết, mùa khô ở Tây Nguyên chưa có dấu hiệu đáng cảnh báo về khả năng hạn hán trên diện rộng như năm 2013, tuy nhiên, trên thực tế, diễn biến thời tiết vẫn rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là đối với các hồ chứa thủy điện..

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

 

Ông Dũng cho biết, trong hai tháng đầu năm,  tổng lượng mưa trên cả nước rất ít, một số nơi Bắc Bộ, phía Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ cả tháng không có mưa, trong đó đáng chú ý nhất tại Tây Nguyên nhiều nơi không mưa. 

Tổng lượng mưa tháng 1/2014 ( khu vực Trung Trung Bộ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20-60%) các khu vực khác trên toàn quốc cũng thấp hơn so trung bình nhiều năm từ 80% đến trên 90%.

Ông Dũng lo ngại, mùa khô ở miền Trung thường kéo dài đến tháng 8, diễn biến của thời tiết vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất lợi. Đặc biệt là không loại trừ khả năng có những tháng nắng nóng kéo dài làm nhu cầu điện tăng đột biến, trong khi mực nước về các hồ thủy điện giảm nhanh hơn dự kiến. Cộng với những yếu tố khách quan, bất khả kháng khác, rất có thể đe dọa đến vận hành của các nhà máy thủy điện...

Trong khi đó, dự kiến tháng 3/2014, sản lượng bình quân toàn hệ thống ở mức 391 triệu kWh/ngày, công suất phụ tải lớn nhất khoảng 19.750 MW.

Dự báo của Tổng công ty Điện lực miền Nam  (EVN SPC) mới đây cũng cho thấy, công suất sử dụng lớn nhất sẽ lên đến 7.147 MW vào tháng 4/2014, tăng 15,1% so với năm 2013. Trong khi đó, năm 2014, khu vực miền Nam chỉ có 2 tổ máy của nhiệt điện than Vĩnh Tân 2 đưa vào vận hành, không đủ đáp ứng nhu cầu, phải nhận thêm điện từ miền Bắc và miền Trung.
 
Thực trạng này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thiếu điện, nhất là tại khu vực miền Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, trên cơ sở tính toán cung cầu điện các tháng mùa khô năm 2014, ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định, hệ thống vẫn đảm bảo cung cấp đủ điện cho các nhu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân trong cả nước.

Huy động tối đa các tổ máy nhiệt điện than, khí ngay từ đầu mùa khô
 
Theo đó, để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục trong mùa khô cũng như cả năm 2014, EVN đã lên kế hoạch để các nhà máy thủy điện tuân thủ mực nước giới hạn của các hồ trong thị trường điện để đảm bảo an ninh hệ thống điện các tháng mùa khô. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc lập và thực hiện kế hoạch sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với lượng nước có trong hồ và dự kiến đến cuối mùa khô, cung cấp đủ nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân vùng hạ du và cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là hệ thống điện miền Nam trong mùa khô.

Lãnh đạo EVN cũng cho biết, Tập đoàn dự kiến sẽ huy động tối đa các tổ máy nhiệt điện than, khí ngay từ đầu mùa khô. Các nhà máy nhiệt điện than, khí đảm bảo công suất khả dụng và vận hành ổn định các tổ máy, đáp ứng phương thức huy động cao về công suất và sản lượng.

Từ đầu năm,  Tập đoàn đã yêu cầu các Tổng công ty Phát điện tập trung hoàn thiện và củng cố các thiết bị để vận hành ổn định các tổ máy nhiệt điện than miền Bắc; tập trung đưa các tổ nhiệt điện than mới vào vận hành ổn định, như: Quảng Ninh 2  (600 MW), Hải Phòng 2 (600 MW), Nghi Sơn 1 (600 MW) và Vĩnh Tân 2 (1.200 MW).
 
Ngoài ra, EVN và cũng đã tính toán đến những trường hợp xấu nhất về điều kiện cung ứng. Theo ông Tri, các nhà máy nhiệt điện dầu FO đảm bảo khả năng sẵn sàng huy động theo yêu cầu của hệ thống điện, các nhà máy nhiệt điện khí đảm bảo khả năng sẵn sàng chuyển đổi sang phát điện bằng dầu DO đáp ứng nhu cầu của hệ thống điện quốc gia khi thiếu khí cho phát điện. Thậm chí, huy động các tổ máy tuabin khí chạy dầu DO để chống quá tải và đảm bảo điện áp khi cần thiết.
 
Song song với đó, hiện tại EVN đang khẩn trương tăng cường kiểm tra, đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy các đường dây, trạm biến áp, đặc biệt là đường dây 500 kV Bắc - Nam, đảm bảo sự vận hành tin cậy các hệ thống rơ le bảo vệ.
 
Nhằm phòng ngừa thiếu điện, từ cuối tháng 3 này, EVN sẽ tập trung đưa vào vận hành phát điện tổ máy 1 của dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 2 bằng nhiên liệu than, đưa vào vận hành đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông và đường dây 500 kV Phú Lâm - Ô Môn trong tháng 4/2014, tăng cường lắp đặt tụ bù trên lưới điện 110 kV và lưới điện trung, hạ thế, đặc biệt trên lưới điện miền Nam.

Vẫn chuẩn bị cho kịch bản thiếu điện
 
Bản thân EVN SPC cũng đã xây dựng phương án cung cấp điện với những kịch bản xấu nhất với tỉ lệ thiếu hụt sản lượng và công suất từ 1% - 10%. 

Theo đó, nếu thiếu 1% sản lượng và công suất điện thì các công ty điện lực trên địa bàn sẽ tiến hành cắt điện luân phiên từ 1 – 4 lần/tháng, mỗi lần cắt điện không quá 5 giờ. Trong đó, Công ty Điện lực Bình Phú cắt không quá 1 lần/tuần (tối đa 4 lần/tháng); công ty Điện lực Bình Chánh, Hóc Môn, An Phú Đông cắt điện không quá 1 lần/2 tuần (tối đa 2 lần/tháng). Các công ty Điện lực Chợ Lớn, Củ Chi, Duyên Hải, Gia Định, Gò Vấp, Phú Thọ, Tân Bình, Sài Gòn, Tân Phú, Thủ Đức, Thủ Thiêm, Tân Thuận sẽ cắt điện không quá 1 lần/tháng.

Nếu thiếu 2% sản lượng, công suất điện thì số lần cắt điện luân phiên sẽ tăng cao hơn, mỗi lần cắt điện cũng không quá 5 giờ. Cụ thể, công ty Điện lực Bình Phú cắt điện không quá 1 lần/tuần (tối đa 4 lần/tháng); công ty Điện lực Bình Chánh, Hóc Môn, Gò Vấp, An Phú Đông, Phú Thọ, Tân Bình, Tân Thuận cắt điện không quá 1 lần/2 tuần (tối đa 2 lần/tháng). Các công ty Điện lực Chợ Lớn, Củ Chi, Duyên Hải, Gia Định, Sài Gòn, Tân Phú, Thủ Đức, Thủ Thiêm sẽ cắt điện không quá 1 lần/tháng.

Trong trường hợp thiếu hụt lên tới 10% sản lượng, công suất điện thì số lần cắt điện luân phiên sẽ tăng rất cao, đặc biệt là ở khu vực các vùng ven như Bình Chánh, Hóc Môn, Gò Vấp, quận 2… Mỗi lần cắt điện trong trường hợp này cũng kéo dài hơn, từ 5 – 10 giờ đồng hồ/lần.

Cụ thể, công ty Điện lực Chợ Lớn sẽ cắt điện tối đa 1 lần/2 tuần. các công ty Điện lực Củ Chi, Duyên Hải, Gia Định, Sài Gòn, Thủ Đức sẽ cắt điện tối đa 1 lần/tuần. Các công ty Điện lực Bình Chánh, Bình Phú, Gò Vấp, Hóc Môn, An Phú Đông, Phú Thọ, Tân Bình, Tân Phú, Tân Thuận sẽ cắt điện tối đa 3 lần/tuần. Công ty Điện lực Thủ Thiêm được cắt tối đa 4 lần/tuần.

Nếu thực tế rơi vào những trường hợp này, EVN cho biết sẽ thông báo trước để người dân, doanh nghiệp chủ động với kế hoạch sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.

Bích Diệp - Tùng Nguyên
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước