EVN "phản pháo" kết luận của Thanh tra Chính phủ
(Dân trí) - Cho rằng, việc xây nhà công vụ, công trình thể thao cho cán bộ, nhân viên là cần thiết và đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, EVN khẳng định nguồn vốn đầu tư sử dụng từ khấu hao, lợi nhuận sau thuế hoặc vay ngân hàng, hoàn toàn hạch toán ngoài giá thành điện.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ trong những ngày qua đã "dậy sóng" dư luận về việc EVN tính cả chi phí xây biệt thự, chung cư, sân tennis vào giá bán điện.
Cụ thể, trong 6 dự án nguồn điện gồm Nhiệt điện Ô Môn 1, Nhiệt điện Phú Mỹ 1 và 4, Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhiệt điện Hải Phòng 1, Nhiệt điện Quảng Ninh 1, đều có hạng mục “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa”. Tuy nhiên, trên thực tế, hạng mục này chính là 355.000 m2 đất được xây dựng gồm nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có cơ sở hạ tầng đi kèm như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis… với tổng giá trị đầu tư trên 595 tỷ đồng.
Giá bán điện trong lộ trình tăng để tiến tới giá thị trường.
Tại phản hồi của EVN gửi cơ quan báo chí, EVN không phủ nhận về việc xây dựng các khu chung cư, nhà công vụ, công trình thể thao phục vụ cán bộ, nhân viên.
Tuy nhiên, Tập đoàn này khẳng định đã sử dụng nguồn vốn đầu tư từ khấu hao, lợi nhuận sau thuế hoặc vay ngân hàng và hạch toán riêng không đưa vào giá thành điện. Các đơn vị thực hiện thu tiền thuê nhà và các dịch vụ theo quy định để hoàn vốn đầu tư, không hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện.
Theo EVN, mục đích xây dựng nhà công vụ nhằm đáp ứng chỗ ở cho cán bộ, công nhân viên ở xa và đáp ứng được lực lượng khi xảy ra sự cố, bên cạnh đó nhằm thu hút thu hút những cán bộ công nhân, kỹ sư có trình độ cao về làm việc tại các nhà máy trong các điều kiện khó khăn.
Hạ tầng và nhà ở cho cán bộ công nhân này thực chất là nhà ở công vụ, khi cán bộ công nhân không làm việc ở nhà máy phải trả lại nhà và ra khỏi khu Quản lý vận hành/nhà công vụ này.
Các nhà ở biệt thự đơn lập, song lập được xây dựng cho các chuyên gia sinh sống trong quá trình thi công nhà máy, sau khi nhà máy xây dựng xong các chuyên gia không ở nữa thì chuyển thành nhà khách cho khách đến làm việc hoặc nhà ở phục vụ quản lý vận hành.
Còn về một số công trình thể thao, EVN giải thích do môi trường làm việc đòi hỏi kỹ thuật có trình độ cao, ô nhiễm cao, điện từ trường, tiếng ồn lớn, công nhân phải thay phiên trực liên tục ba ca bốn kíp nên sau ca trực cần có hoạt động thể thao để giảm độ căng thẳng nhanh chóng hồi phục sức khỏe, duy trì thực hiện làm ca trực tiếp theo, giảm được các ảnh hưởng tiêu cực của xã hội. Do vậy, trong các khu quản lý vận hành qui hoạch có khu thể thao nhỏ.
Tập đoàn cũng khẳng định, việc xây dựng khu quản lý vận hành, sửa chữa, nhà công vụ cho cán bộ công nhân của các nhà máy điện là rất cần thiết, phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời cho biết, các khu quản lý vận hành sửa chữa của 5 trung tâm nhà máy nhiệt điện nêu trên đều đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt qui hoạch, cấp đất cho phép xây dựng theo các qui định hiện hành.
Tính 223,9 tỷ đồng lãi trái phiếu vào chi phí sản xuất điện
Giải trình của EVN cũng đề cập đến nội dung trong kết luận Thanh tra Chính phủ về việc Công ty mẹ EVN hướng dẫn hạch toán chuyển nguồn vốn không đúng tại 11 dự án đã hoàn thành đang hoạt động làm tăng chi phí sản xuất điện trong năm 2011 tại 11 dự án nêu trên số tiền 223,9 tỷ đồng.
Theo đó, do nhu cầu vốn đầu tư các công trình điện của EVN rất lớn, mỗi năm EVN đầu tư hơn 60.000 tỷ đồng, năm 2013 kế hoạch đầu tư của EVN cho các công trình điện là 106.600 tỷ đồng, trong khi đó khả năng thu xếp vốn không đáp ứng được nhu cầu đầu tư nên lúc nào EVN cũng thiếu vốn đầu tư trầm trọng.
Nguồn vốn khấu hao cơ bản không đủ để trả nợ gốc và lãi vay, phía Tập đoàn cho hay. Việc huy động thu xếp vốn cho các công trình điện chủ yếu từ các nguồn vốn vay.
Trong quá trình phát hành trái phiếu để huy động vốn cho các công trình, do các thủ tục để phát hành trái phiếu chậm nên không kịp với tiến độ giải ngân công trình điện, nhưng để đảm bảo tiến độ công trình phục vụ điện cho phát triển kinh tế của đất nước nên khi có khối lượng phải thanh toán EVN đã phải ứng trước vốn sản xuất để thanh toán cho các nhà thầu. Sau khi việc phát hành trái phiếu hoàn thành,
EVN thực hiện việc hoàn trả lại số vốn sản xuất trước đây đã ứng. Cụ thể, năm 2010 và năm 2011, EVN có hướng dẫn 8 đơn vị hạch toán chuyển nguồn vốn của 11 dự án đã hoàn thành (từ nguồn vốn sản xuất EVN đã tạm ứng sang nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp) với tổng số tiền là 1.619 tỷ đồng (tại hai thời điểm là ngày 1/9/2010 và ngày 21/10/2010) là thực chất hoàn trả vốn sản xuất mà trước đây EVN đã ứng.
Cũng theo Tập đoàn, do việc điều chuyển nguồn vốn các dự án đã hoàn thành nên phần lãi trái phiếu số tiền 223,9 tỷ đồng được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện ngay trong năm tài chính thay vì hạch toán vào chi phí đầu tư xây dựng cơ bản của các công trình điện (tăng vốn đầu tư của dự án và cũng được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện thông qua khấu hao tài sản cổ định).
Bích Diệp