EVN gặt doanh thu gần 96.800 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm

(Dân trí) - Sau 7 tháng không tăng giá, doanh thu EVN vẫn tăng gần 23% so cùng kỳ. Với đợt tăng 5% ngày 1/8, EVN dự kiến thu được 3.500 - 3.600 tỷ đồng nhưng không đủ bù cho phần chi phí than và khí tăng thêm hơn 6.000 tỷ đồng.

Theo thống kê của Bộ Công thương về hoạt động trong lĩnh vực năng lượng 7 tháng đầu năm, doanh thu bán điện tháng 7/2013 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ước đạt 15.039 tỷ đồng, tăng 19,22% so với cùng kỳ. Luỹ kế 7 tháng, Tập đoàn gặt doanh thu ước đạt 96.786 tỷ đồng, tăng 22,75% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, vốn thực hiện đầu tư lại thấp hơn nhiều so với kế hoạch. Tháng 7, ước thực hiện giá trị khối lượng vốn đầu tư 5.700 đồng. Luỹ kế cả năm chỉ khoảng 48.452 tỷ đồng, bằng 45,46% kế hoạch dự kiến.

Trong đó, đầu tư cho nguồn điện chỉ đạt 50,11% kế hoạch với 24.798 tỷ đồng; đầu tư cho lưới điện truyền tải và phân phối đạt 44,94% kế hoạch, đạt 11.628 tỷ đồng; đầu tư cho khố phụ trợ đạt 36,47% kế hoạch với 215 tỷ đồng.

Phần trả nợ gốc, lãi vay và góp vốn đầu tư nguồn điện được EVN dành ra khoảng 11.811 tỷ đồng, nhưng chỉ đạt 38,56% kế hoạch.

EVN khẳng định từ nay đến cuối năm sẽ không tăng giá điện thêm lần nào.
EVN khẳng định từ nay đến cuối năm sẽ không tăng giá điện thêm lần nào.

Trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" phát trực tiếp trên VTV ngày 4/8, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, giữa bối cảnh các thông số chi phí đầu vào liên quan đến ngành điện biến động tăng, giá điện không thể không tăng. Nếu kéo dài thì tình hình tài chính của ngành sẽ càng ngày càng khó khăn.

Còn ông Đặng Huy Cường - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) nói, bên cạnh áp lực giá than bán cho điện tăng làm tăng chi phí mà EVN mua điện từ các nhà máy điện chạy than khoảng 4.000 tỷ đồng trong quý III/2013 thì có hai lý do khác cũng rất quan trọng. 

Một là  EVN đang nợ Tổng công ty Khí quốc gia (PV Gas) trên 3.000 tỷ đồng do chưa thu xếp được nguồn tiền khí phải trả vượt trên bao tiêu giai đoạn 2009 - 2012. Và hai là, EVN cần đến hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện cải tạo lưới điện nông thôn nhằm nâng cao chất lượng lưới điện nông thôn, nâng cao độ tin cậy cung ứng điện và một số yếu tố khác.

Theo tính toán, EVN phải cân đối khoảng 130.000 tỷ đồng hàng năm để đầu tư vào các công trình nguồn và lưới điện mới. Việc điều chỉnh giá điện được cho là sẽ tạo điều kiện để thu hút các thành phần khác đầu tư vào các công trình nguồn điện, góp phần đảm bảo an ninh cung ứng điện.

Về việc giải quyết vấn đề của ngành điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đã nêu rõ, cần có sự tham gia gánh vác của người dân và xã hội. "Nếu không có sự quan tâm, cùng tham gia, cùng chia sẻ của xã hội và người dân thì ngành điện sẽ rất khó khăn trong việc này".

Trao đổi trên VOV sau đợt tăng giá 5% vừa rồi, ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, để bù đắp đủ cho tăng giá than và giá khí thì giá điện bán lẻ phải tăng 10%, nhưng cân nhắc điều kiện kinh tế xã hội và nỗ lực của EVN tìm giải pháp giảm sức ép tăng giá nên chỉ đề xuất Bộ Công Thương tăng 5%.

Theo ông Tri, hiện nay, EVN còn 2 khoản lỗ là lỗ do sản xuất kinh doanh điện từ năm 2010 – 2011 do hạn hán EVN phải phát điện với giá dầu, mua điện giá cao, dẫn đến lỗ 11.000 tỷ đồng. Năm 2012 xử lý được 3.000 tỷ, nay còn lại gần 8.000 tỷ.

Đại diện EVN cho biết, dự kiến lấy lợi nhuận của các nhà máy điện của EVN để bù lỗ chứ không lấy tăng giá điện để bù lỗ. Với đợt tăng 5% này, EVN dự kiến thu được 3.500 tỷ đồng đến 3.600 tỷ đồng bù cho phần chi phí than tăng thêm 5.000 tỷ đồng và chi phí khí tăng thêm khoảng hơn 1.000 tỷ đồng - không đủ bù lỗ do giá than và khí tăng.

Ông Tri cũng khẳng định, từ nay đến cuối năm sẽ không tăng giá bán điện thêm lần nào nữa.

Tại phiên họp báo thường kỳ Bộ Công thương chiều 5/8, nhiều câu hỏi về việc tăng giá điện cũng như ảnh hưởng của đợt tăng này đến sản xuất, kinh doanh cũng đã được đặt ra, tuy nhiên, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã từ chối trả lời.

Theo lời người phát ngôn Chính phủ - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, trong việc điều chỉnh giá điện, Chính phủ đã yêu cầu EVN phải lấy ý kiến phản hồi của người dân và rút kinh nghiệm. Phát ngôn của Bộ trưởng Đam được đăng tải trên báo chí vào tối 30/7 thì đến tối 31/7, EVN công bố quyết định tăng giá từ 1/8. Điều này đã gây thất vọng đối với người dân, cho rằng đây là hành động "đánh úp" người tiêu dùng, dù tăng giá điện có thể là bất khả kháng.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm