Bộ Công Thương lần thứ 6 trình Quy hoạch điện 8
(Dân trí) - Bộ Công Thương tiếp tục có tờ trình về phê duyệt Đề án Quy hoạch điện 8 sau khi đã làm việc với các bên liên quan và tiến hành rà soát theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tờ trình số 7194 thay thế Tờ trình số 5709 ngày 23/9, Tờ trình số 6328 ngày 13/10 của Bộ Công Thương, cũng là lần thứ 6 Bộ Công Thương có tờ trình về Quy hoạch điện 8 trong năm nay.
Trong tờ trình, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng xem xét phê duyệt Quy hoạch điện 8 thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Cụ thể, tờ trình nêu đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 121.757-145.989 MW (không bao gồm điện mặt trời mái nhà, nguồn cấp phụ tải riêng và đồng phát). Định hướng đến năm 2050, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 368.461-501.608 MW.
Bộ này đề xuất chấp thuận cho phép tiếp tục triển khai và đưa vào vận hành thương mại trước 2030 các dự án điện mặt trời đã hoàn thành hoặc đang chờ giá bán điện mới; các dự án đã có nhà đầu tư, đã đầu tư xây dựng đang thi công; các dự án đã được thẩm định thiết kế cơ sở, đã có quyết định thu hồi đất/hợp đồng cho thuê đất hoặc quyết định giao đất, hợp đồng mua bán thiết bị, hợp đồng mua bán điện, tổng công suất 726,02 MW.
Bộ cũng đề xuất chưa cho phép triển khai trong giai đoạn 2021-2030 với 27 dự án chưa có nhà đầu tư, tổng công suất 4.136 MW và 12 dự án, tổng công suất 1.634 MW đã có chủ trương đầu tư và chấp thuận chủ đầu tư nhưng đang trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, xem xét sau năm 2030 với điều kiện đảm bảo được hệ thống truyền tải, cơ cấu nguồn điện vùng, miền, nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
Dự thảo Quy hoạch 8 có nhắc tới giá điện bình quân (quy về USD năm 2020) sẽ tăng dần từ mức 7,9 cent/kWh vào năm 2020 lên mức 8,1-9 cent/kWh vào năm 2030 và định hướng tới năm 2050, giá điện bình quân là 10,2-10,5 cent/kWh.
Theo Bộ Công Thương, so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, giá điện của Việt Nam đang ở mức tương đối thấp (bình quân khoảng 7,9 cent/kWh). Vào năm 2030, giá điện dự kiến như tính toán của Bộ Công Thương vẫn được cho là thấp hơn của Indonesia và Thái Lan.
Bộ cho rằng đề án đưa ra quy mô và cơ cấu nguồn điện toàn quốc đã được tính toán kỹ, phản ánh đúng quá trình chuyển dịch mạnh mẽ từ các nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn sử dụng năng lượng tái tạo. Đề án phát huy tối đa thế mạnh, tài nguyên sẵn có của nước ta, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, bám sát tiến bộ công nghệ và xu thế giảm giá thành của các loại hình năng lượng tái tạo, đảm bảo mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và chi phí hệ thống điện nhỏ nhất.