1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

EU - Trung Quốc: cần phải “có qua có lại”…

(Dân trí) - “EU sẽ chấp nhận mọi thách thức mà Trung Quốc đặt ra khi nền kinh tế nước này ngày càng lớn mạnh trong tiến trình hội nhập; nhưng đổi lại, Trung Quốc phải tuân thủ chặt chẽ mọi luật lệ thương mại quốc tế và thiết lập 1 cơ chế thông thoáng hơn…”

Đó là phát biểu của cao ủy Peter Mandelson trước thềm hội nghị thương mại EU - Trung Quốc diễn ra tại Brussels ngày hôm qua (7/7).

 

Có vẻ như mối thân tình giữa hai cường quốc kinh tế này đang bị những tranh chấp “cơm áo gạo tiền” ngày càng làm cho mai một.

 

Cửa “đóng” hay cửa “mở”?

 

Gần đây nhất Brussels lại vừa cáo buộc Trung Quốc bán phá giá hàng da giày trên thị trường châu Âu và tạm thời áp thuế suất mới. Chưa hết, một loạt các mặt hàng tiêu dùng khác, ví dụ như túi xách thời trang, cũng đang bị đưa lên bàn “mổ xẻ” để khép vào tội danh tương tự.

 

Là một thành viên thuộc tổ chức thương mại thế giới, đồng thời nắm giữ vai trò chủ chốt trong nền kinh tế toàn cầu, Trung Quốc có nghĩa vụ phải tuân thủ mọi điều luật chung của sân chơi quốc tế - ông Mandelson nhấn mạnh.

 

Nói cách khác, Trung Quốc cần đối xử bình đẳng hơn với các doanh nghiệp châu Âu hiện đang hoạt động trong nước, song song chặt tay thi hành luật sở hữu trí tuệ. Nếu chính phủ Trung Quốc không thỏa mãn được yêu cầu này thì EU chỉ càng có cớ để tăng cường bảo hộ mà thôi.

 

“Quá nhiều doanh nghiệp châu Âu phàn nàn rằng khi hoạt động tại  Trung Quốc, họ đụng phải bức tường bảo thủ kiên cố chứ chẳng phải 1 cánh cửa mở rộng đón chào như chính phủ vẫn hay ca ngợi”.

 

Chấp nhận - phản hồi từ EU

 

Tính tới thời điểm này, EU đang là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, còn theo chiều ngược lại với EU, Trung Quốc đứng vị trí thứ 2.

 

Nhưng có vẻ như mối quan hệ này ngày càng mất cân đối khi cán cân thương mại liên tục nghiên về Trung Quốc, thậm hụt về phía EU mỗi lúc một cao, tới nay đã ngất ngưởng trên 100 tỷ euro.

 

Cao ủy Mandelson cho biết: hiện đang có rất nhiều doanh nghiệp châu Âu sử dụng Trung Quốc như 1 “bàn đạp chiến lược”: tận dụng cơ sở sản xuất chi phí rẻ ở nước này để tăng cường xuất khẩu sang các nước châu Á khác. Tuy nhiên không vì thế mà họ thôi lo ngại nguy cơ bị đổ bể, bởi hàng Trung Quốc chính hiệu giá rẻ luôn ngấp nghé giành thế áp đảo thị trường.

 

“Chính vì thế mà chúng tôi nói rằng: EU chấp nhận mọi thách thức mà Trung Quốc đặt ra khi nước này hội nhập kinh tế thế giới để mài giũa khả năng cạnh tranh ngày càng sắc bén”.

 

Hội nghị thương mại diễn ra tại Brussels bàn về những thách thức EU phải đối mặt trước sự lớn mạnh của kinh tế Trung Quốc sẽ do đích thân ngài thứ trưởng Bộ Thương mại - ông Yu Guangzhou - tham dự.

 

Đăng Linh 

 Theo BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm