EU bỏ ưu đãi thuế đối với giày dép Việt Nam
(Dân trí) - Theo đánh giá của Phái đoàn Ủy ban châu Âu, ngành giày dép Việt Nam đã trở nên cạnh tranh nhất trên thế giới, nên kể từ ngày 1/1/2009, ngành hàng này sẽ không còn nằm trong Hệ thống Ưu đãi Thuế quan phổ cập.
Tại cuộc họp báo ngày 13/6, ông Sean Doyle, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam cho biết: Việc xét duyệt lại GSP thời gian qua cho thấy, mặt hàng giày dép nằm trong GSP của Việt Nam chiếm mức trung bình là 19,9% trong giai đoạn 2004 - 2006.
Hệ thống Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (GSP) của EU được thiết lập từ năm 1971 với mục tiêu thúc đẩy phát triển thông qua thương mại. Hệ thống này mang đến cho các nước đang phát triển sự ưu đãi thuế quan đơn phương (ví dụ, thấp hơn mức thuế suất Tối Huệ Quốc (MFN) 3.5 điểm) và cơ chế miễn trừ thuế/hạn ngạch cho những nước chậm phát triển.
Hiện tại, lượng hàng xuất khẩu sang thị trường EU của Việt Nam được hưởng GSP chiếm tới 3 tỷ Euro trong năm 2006. |
Trên cơ sở này, theo quy chế GSP và quy định WTO, EU kết luận “ngành giày dép của Việt Nam rất cạnh tranh và Việt Nam đã không còn quá phụ thuộc vào xuất khẩu giày dép nữa. Như vậy, chỉ duy nhất ngành giày dép Việt Nam sẽ “tốt nghiệp” GSP”, ông Sean Doyle nhấn mạnh.
Kinh nghiệm từ các nước khác cho thấy rằng cơ chế “tốt nghiệp” GSP thực sự phản ánh khả năng cạnh tranh của một ngành đang đi lên. Ví dụ, ngành giày dép Trung Quốc đã tiếp tục tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng sau khi ưu đãi GSP bị loại bỏ (và mặc dù chịu thuế chống bán phá giá cao hơn Việt Nam 6,5 điểm), giữa năm 2004 và 2006, Trung Quốc vẫn nâng cao thị phần xuất khẩu giày dép sang EU từ 42,7 lên 55,2%.
Ngành giày dép Việt Nam thể hiện những dấu hiệu lớn mạnh tương tự với 20% giày dép xuất khẩu sang EU thậm chí không hưởng GSP.
Điều này nói lên rằng số nhà xuất khẩu ngày càng gia tăng có khả năng bán ở những mức giá cạnh tranh trên thị trường EU mà không có đặc quyền đặc lợi gì nhưng đã tạo đòn bẩy cho những phương diện khác như chất lượng, kiểu dáng và thương hiệu.
Ông Sean Doyle nói: “EU hiểu rõ sự cần thiết phải hỗ trợ Việt Nam tăng cường xuất khẩu, gồm cả mặt hàng giày dép; tuy nhiên, đó không phải là một nền tảng biệt lệ cho cơ chế GSP thích hợp với những quốc gia nghèo hơn”.
Và theo đề xuất của Phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam, Khu vực Tự do Thương mại (FTA) sẽ là một công cụ thích hợp hơn, hiện đại hơn đối với cơ cấu thương mại ngày càng “tinh vi” và tốc độ phát triển nhanh chóng của Việt Nam hiện nay.
EU cũng sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tăng cường xuất khẩu mặt hàng giày dép theo cơ chế của Khu vực Mậu dịch Tự do EU - ASEAN đang định hình; cũng như ủng hộ những cố gắng của Việt Nam trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh thương mại quốc tế và hoạt động thương mại thông qua ODA…
An Hạ - Lan Hương