1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Phán quyết về thuế chống phá giá tôm của Mỹ:

Ecuador thắng kiện tại WTO - Kinh nghiệm cho Việt Nam

(Dân trí) - Hôm 30/1, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã kết luận Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vi phạm Điều 2.4.2 của Hiệp định chống bán phá giá khi kết luận Ecuador bán phá giá tôm nước ấm đông lạnh vào Mỹ.

Theo kết luận của WTO, Mỹ đã vi phạm một số điều khoản trong Hiệp định chống bán phá giá khi cắt bỏ hoặc làm giảm lợi ích mà lẽ ra các doanh nghiệp xuất khẩu tôm nước ấm của Ecuador có thể được hưởng theo Hiệp định này.

 

WTO đề nghị Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) phải yêu cầu Mỹ sửa lại các phán quyết của mình đối với Ecuador theo đúng nội dung Hiệp định chống bán phá giá.

 

Tháng 11/2004, DOC cũng đã ra phán quyết cuối cùng đối với các công ty xuất khẩu tôm của Việt Nam. Theo đó, mức thuế chung (country-wide) là 25,76%. Một số bị đơn bắt buộc như công ty Minh Phú, Minh Hải, Kim Anh và Camimex bị áp thuế riêng biệt.

 

Tháng 1/2005, Uỷ ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) đã bỏ phiếu đồng ý áp thuế chống bán phá giá đối với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ 6 nước (Ấn Độ, Thái Lan, Êcuađo, Brazil Trung Quốc và Việt Nam) vào Mỹ, loại trừ thuế đối với tôm nước ấm đóng hộp.

 

Các mức thuế tôm chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2/2005.

 

Sau mỗi năm, DOC lại tiến hành xem xét hành chính để điều chỉnh lại các mức thuế chống bán phá giá, dựa vào hoạt động thực tế của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm.

 

Theo Vasep

Trình tự khiếu kiện của Ecuador:

 

Ngày 17/11/2005, Ecuador yêu cầu WTO tổ chức các cuộc tham vấn về: (1) phán quyết cuối cùng của DOC, đưa ra ngày 23/11/2004, khẳng định rằng Ecuador đã bán phá giá tôm nước ấm đông lạnh sang Mỹ; (2) sửa đổi phán quyết cuối cùng, ra ngày 1/2/2005, cũng khẳng định Ecuador bán phá giá tôm sang Mỹ và (3) quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với Ecuador.

 

Ecuador đặc biệt nhấn mạnh việc DOC đã sử dụng phương pháp “triệt tiêu” (zeroing) để tính biên độ phá giá của tôm nhập khẩu. Với phương pháp này, DOC sẽ “ triệt tiêu” tất cả các trường hợp sản phẩm tôm có giá bán ở Mỹ cao hơn ở các nước khác. Hiểu đơn giản là DOC “cố tình” tìm ra biên phá giá.

 

WTO đã từng phán quyết việc sử dụng phương pháp “zeroing” là bất hợp pháp.

 

Ecuador kiện Mỹ vi phạm Điều VI của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994 (GATT 1994) và các điều 1, 2.1, 2.2, 2.4, 2.4.2, 5.8, 6.10, 9.2, 9.3, 9.4, và 18.1 của Hiệp định chống bán phá giá.

 

Ngày 28/11/2005, Ấn Độ cũng yêu cầu được tham gia tham vấn. Ngày 1/11/2005, Thái Lan “nhập cuộc”.

 

Ngày 8/6/2006, Ecuador yêu cầu WTO thành lập ban trọng tài để phân xử vụ việc. Ngày 19/7/2006, DSB của WTO quyết định thành lập ban trọng tài.

 

Ngày 26/9/2006, ban trọng tài chính thức được thành lập. Ngày 20/10/2006, các bên thông báo với DSB về trình tự tranh tụng.

 

Ngày 30/1/2007, ban trọng tài ra phán quyết cuối cùng (như trên).

 

Trình tự giải quyết tranh chấp của WTO

60 ngày

Tham vấn, hòa giải,…

45 ngày

Thành lập ban trọng tài

6 tháng

Ban trọng tài lập và gửi báo cáo cuối cùng cho các bên

3 tuần

Ban trọng tài gửi báo cáo cho các nước thành viên WTO

60 ngày

DSB thông qua bản báo cáo (nếu không có kháng cáo)

Tổng thời gian: 1 năm (nếu không có kháng cáo)

60-90 ngày

Báo cáo về việc kháng cáo

30 ngày

DSB thông qua bản báo cáo kháng cáo

Tổng thời gian: 1 năm 3 tháng (nếu có kháng cáo)

 

Đặng Lê

Tổng hợp từ WTO.org

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm