1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Ecuador bán rừng nguyên sinh để trả nợ Trung Quốc

Quốc gia Nam Mỹ Ecuador đang lên kế hoạch bán đấu giá quyền khai thác dầu khí tại 3 triệu ha trong tổng số 8,1 triệu ha rừng nhiệt đới nguyên sinh Amazon của nước này cho các công ty dầu lửa Trung Quốc.

Từ năm 2009, Trung Quốc bắt đầu cho Ecuador vay hàng tỷ USD để đổi lấy các lô dầu. Bắc Kinh cũng tài trợ cho hai dự án cơ sở hạ tầng thủy điện lớn nhất của Ecuador.
 
Trong khi đó, tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) sở hữu 30% cổ phần trong một nhà máy lọc dầu trị giá 12,5 tỷ USD của Ecuador. Nhà vận động môi trường tại tổ chức phi chính phủ Amazon Watch, ông Adam Zuckerman cho biết, nợ Trung Quốc làm cho Ecuador quá phụ thuộc vào nước này trong các dự án phát triển và họ sẵn sàng thỏa hiệp với Bắc Kinh trong những lĩnh vực khác. 
 
Một góc rừng nguyên sinh của Ecuador

Một góc rừng nguyên sinh của Ecuador


Theo tờ The Guardian, các quan chức của Ecuador đã chuẩn bị trao các hợp đồng đấu thầu cho các công ty dầu lửa Trung Quốc tại một buổi lễ ở khách sạn Hilton tại Bắc Kinh. Trước đó, hai bên đã có các cuộc gặp gỡ ở thủ đô Quinto của Ecuador, thành phố Houston của Mỹ, và thủ đô Paris của nước Pháp. 
 
Tính đến giữa năm 2012, Ecuador nợ Trung Quốc hơn 7 tỷ USD, tương đương hơn 1/10 GDP.
 
Theo ông Adam Zuckerman, một nhà hoạt động môi trường thuộc tổ chức phi chính phủ Amazon Watch có trụ sở ở California, Mỹ, thì việc Ecuador bán rừng cho Trung Quốc có liên quan nhiều đến vấn đề nợ nần. “Bởi vì Ecuador phụ thuộc nhiều vào nguồn tài chính của Trung Quốc để phát triển, và họ sẵn sàng nhượng bộ trong những lĩnh vực như các vấn đề môi trường”, ông Zuckerman nói với tờ Guardian.
 
Những người Ecuador sống ở khu vực rừng Amazon đang bị lên kế hoạch bán cho phía Trung Quốc cảm thấy không vui. Năm ngoái, một tòa án đã ra phán quyết rằng, Chính phủ cần phải nhận được sự đồng thuận của người địa phương trước khi thông qua các hoạt động khai thác dầu lửa trên đất của họ.
 
Trong một diễn biến khác, ngày 26/3, sau chuyến thăm Nga, ông Tập Cận Bình đã bắt đầu chuyến thăm chính thức châu Phi, với trạm dừng chân đầu tiên là Tanzania. Trong chuyến thăm này, tân Chủ tịch Trung Quốc cam kết sẽ tăng cường đầu tư vào “lục địa đen”.
 
Phát biểu tại một trung tâm hội nghị do Trung Quốc xây dựng tại thành phố Dar es Salaam, Tanzania, ông Tập nhấn mạnh chính sách lập dài của Trung Quốc là không can thiệp vào các vấn đề chính trị trong nước của các quốc gia châu Phi, đánh giá cao tăng trưởng kinh tế của châu lục, và tái khẳng định lời hứa của Trung Quốc sẽ cho châu Phi vay 20 tỷ USD trong vòng 3 thập kỷ tới.
 
Theo thống kê chính thức, đến hết tháng 6/2012, vốn đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi đã lên tới 45 tỷ USD.
 
Theo báo Financial Times, ngoài ra, ông Tập còn đưa ra những lập luận nhằm bảo vệ vai trò của Trung Quốc ở châu Phi trước những nhận định cho rằng, Trung Quốc đổ tiền vào châu Phi chỉ nhằm mục đích kiểm soát nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của khu vực này. 
 
Nhiều người châu Phi còn cho rằng, các sản phẩm chất lượng thấp và giá rẻ của Trung Quốc là nguyên nhân cho sự sụp đổ của ngành công nghiệp địa phương, điển hình là Comatex và Batexci, hai công ty dệt may hàng đầu của Mali đã bị thiệt hại nghiêm trọng bởi vải giá rẻ từ Trung Quốc.
 
Cho đến nay, người Trung Quốc tại châu Phi đã có từ 750 nghìn đến một triệu người. Báo Afrik đánh giá đó không phải chỉ là một “làn sóng” người Trung Quốc nữa mà là một “trận sóng thần”. Số lượng người Trung Quốc không ngừng gia tăng tới châu Phi làm ăn và định cư.
 
Chuyến thăm lần này của tân chủ tịch Tập Cận Bình tại châu Phi, với những quan điểm và định hướng mới, người ta hy vọng rằng quan hệ Trung Quốc – châu Phi sẽ trở nên nồng ấm hơn. Tuy nhiên, dư luận quốc tế cho rằng việc xóa bỏ quan ngại về “chủ nghĩa thực dân mới” Trung Quốc thực sự vẫn còn đang ở phía trước.
 
Theo Uyên Nhi
Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm