4 tháng, hơn 16,5 nghìn doanh nghiệp "đóng cửa" giải thể

(Dân trí) - Trong khi doanh nghiệp thiếu vốn, bế tắc cả về đầu vào lẫn đầu ra thì "nút thắt" nợ xấu khiến các ngân hàng chuyển dòng vốn huy động sang trả nợ hoặc đầu tư vào khu vực phi tín dụng như trái phiếu.

Nền kinh tế đang bế tắc vì sự lúng túng của dòng chảy vốn.
Nền kinh tế đang bế tắc vì sự lúng túng của dòng chảy vốn.

Tại Báo cáo Tình hình kinh tế Việt Nam tháng 4/2013 do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGS) phát hành ngày hôm nay (2/5), cơ quan này cho biết, qua 4 tháng đầu năm đã có 16.600 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tăng 16,9% so cùng kỳ năm 2012.

Nguyên nhân được lý giải do khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng hạn chế, kết hợp với những khó khăn về chi phí đầu vào, sản phẩm đầu ra tiêu thụ chậm, tồn kho ở mức cao… Từ đó gây ra những tác động tiêu cực khiến nguồn lực doanh nghiệp dần cạn kiệt.

“Có thể nói, sự suy yếu của doanh nghiệp trong giai đoạn này sẽ không chỉ làm gia tăng sức ép lên thu Ngân sách Nhà nước năm 2013 mà còn có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến đà phục hồi tăng trưởng kinh tế của năm sau” – UBGS lo ngại.

Trong khi đó, tổng cầu nền kinh tế vẫn được đánh giá ở mức yếu. Ngay cả đối với hoạt động xuất nhập khẩu, con số nhập siêu khoảng 1 tỷ USD trong tháng 4 cũng chưa cho thấy biểu hiện rõ ràng của sự gia tăng tổng cầu và sản xuất trong thời gian tới mà chỉ đơn thuần mang ý nghĩa kỹ thuật do kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh hơn kim ngạch nhập khẩu, Ủy ban nhìn nhận.

Cơ quan này cũng lưu ý về hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 4 đó là, kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã giảm tới 20% so với tháng 3.

Vốn huy động lòng vòng chảy đi đâu?

Dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, UBGS cho hay, sau gần 3 tuần đầu tiên của tháng 4, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt khoảng 1,14% so với cuối năm 2012. Trong khi đó, tính đến 26/4/2012, tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm giảm 0,85% so với cuối năm 2011.

Như vậy, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, tình hình tăng trưởng tín dụng đã khả quan hơn. Song, theo UBGS, con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Theo tính toán của Ủy ban, chỉ tính riêng quý I/2013, để đảm bảo tổng vốn đầu tư đạt mức đề ra, tăng trưởng tín dụng trong quý I phải đạt mức tăng ít nhất 1,5% so với cuối năm 2012 (tương đương mức tăng thêm khoảng 50.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, tính đến giữa tháng 4/2013, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống cũng mới chỉ đạt khoảng 1,44% so với đầu năm.

Có hai nguyên nhân khiến tín dụng tăng thấp, theo lý giải của UBGS là lãi suất cho vay còn cao so với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và tỷ lệ nợ xấu cao khiến tín dụng khó tăng mạnh dù huy động vẫn đạt mức tăng khá.

Mức lãi suất cho vay hiện hành phổ biến từ 9-12%/năm đối với những lĩnh vực khuyến khích, đối với các lĩnh vực khác phổ biến từ 11-15%/năm. Mức lãi suất này chưa đủ hấp dẫn doanh nghiệp vay vốn đầu tư.

Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu cao khiến nhiều ngân hàng tiếp tục tăng mạnh huy động nhưng chủ yếu để trả nợ những khoản huy động cũ đáo hạn. Khó khăn trong việc tìm đầu ra tín dụng, vốn huy động còn chủ yếu được tập trung vào đầu tư tài chính phi tín dụng như trái phiếu Chính phủ cho dù lợi suất thấp.

Dựa vào những phân tích trên, UBGS cho rằng, tốc độ hồi phục tổng cầu trong thời gian tới sẽ phụ thuộc lớn vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn liền với xử lý nợ xấu. Nói cách khác, tổng cầu và tăng trưởng kinh tế sẽ được khôi phục nhanh và mạnh mẽ hơn khi tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và xử lý nợ xấu cùng với tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ NSNN được đẩy nhanh hơn trên thực tế.

Bích Diệp