Ế ẩm, nhiều tiểu thương rao bán sạp

Sức mua giảm nên tại nhiều khu chợ ở TPHCM, hàng loạt cửa hàng đã phải đóng cửa, rao bán sạp hàng.

Rất nhiều sạp bán đồ khô tại chợ Thanh Đa, Bình Thạnh đã đóng cửa ngừng kinh doanh.
Rất nhiều sạp bán đồ khô tại chợ Thanh Đa, Bình Thạnh đã đóng cửa ngừng kinh doanh.

 

Vì nhiều lý do khác nhau, tại nhiều chợ trên địa bàn TPHCM thời gian gần đây, sức mua giảm mạnh, có nơi đến 30%. Nhiều tiểu thương cho biết, nếu duy trì bán tại chợ sẽ lỗ nên đã ngưng bán tạm thời, thậm chí nghỉ hẳn - rao bán sạp hàng. Tình trạng này đã trở nên phổ biến không chỉ ở các chợ ngoại thành mà còn ở ngay các chợ trung tâm thành phố.

 

Theo ghi nhận của phóng viên tại chợ Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh và chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh việc giảm mạnh sức mua dẫn đến nghỉ bán là hoàn toàn có thật. Rất nhiều tiểu thương ở hai khu chợ này, hoặc phải bán tháo hết hàng hoặc thậm chí rao bán sạp trước sự sụt giảm tới 1/3 sức mua.

 

Chị Dương Thị Nguyệt là một ví dụ. Vài tháng trước, chị vừa mua lại một sạp hàng với giá 70 triệu từ một tiểu thương khác. Vậy mà giờ đây, chính chị Nguyệt lại đang phải hạ giá làm sao bán cho hết hàng, bởi nếu tiếp tục bán thì chỉ càng lỗ.

 

Dạo quanh chợ Vĩnh Lộc, không khó để tìm những bảng rao bán sạp hàng như thế. Thống kê sơ bộ cho thấy, có đến 15% tiểu thương ở đây ngưng bán từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần, và chỉ tập trung bán vào những ngày cuối tuần.

 

Tình trạng ế ẩm này không chỉ ở những mặt hàng xa xỉ mà ngay cả những mặt hàng thiết yếu hàng ngày như gạo. Chị Huỳnh Thị Gái, một tiểu thương ở đây cho biết, hàng ngày, tiểu thương ở đây cũng chỉ bán buổi sáng, đến khoảng 1,2 giờ trưa là về.

 

Theo ông Trần Văn Dũng, trưởng Ban quản lý chợ Vĩnh Lộc, cư dân xung quanh chợ hầu hết là công nhân lao động phổ thông. Do kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp giải thể nên lượng người mua lại thêm ít. Cũng theo ông Dũng, ngưng bán nhiều nhất ở chợ này “là mặt hàng quần áo, giày dép. Mặt hàng này phải ngưng khoảng 35 đến 40%. Còn hàng tươi sống tôm cá rau củ quả nói chung ngưng khoảng 10%”.

 

Không khá gì hơn ngoại thành, ở ngay trung tâm thành phố, tình trạng ế ẩm cũng tồn tại ở chợ Thị Nghè. Mới 11h giờ trưa, chị Văn Thị Tư đã dọn hàng. Trước đây, mỗi ngày chị bán 30 đến 40 con gà, nhưng 5 tháng nay, chị chỉ bán một nửa số đó. Bạn hàng xung quanh có nhiều người đã nghỉ bán hẳn.

 

Theo ban quản lý các chợ ở TP.HCM, sức mua ở chợ giảm từ 30 đến 35%, kéo theo tình trạng nhiều sạp hàng nghỉ bán hẳn, hoặc nghỉ tạm thời. Các quầy sạp đóng cửa thường ở mặt hàng cá, thịt heo, hàng quần áo thời trang. 

 

Tuy nhiên, nhiều tiểu thương cũng cho rằng, bên cạnh lý do sức mua yếu, việc các chợ tự phát mọc lên như nấm rất sôi động ngay cạnh các khu chợ, kèm theo thói quen mua hàng của nhiều người dân đã chuyển dần vào siêu thị cũng góp phần tạo sức ép cho các khu chợ ngày một vắng vẻ thêm.

 

Theo Nguyệt Hà

VTV