Đường lên giá, buôn lậu gia tăng
Nhu cầu tiêu thụ đường cuối năm tăng mạnh trong khi nguồn cung nguyên liệu mía thấp hơn nhiều so với nhu cầu của các nhà máy đường, đó là những lý do khiến giá đường đột ngột tăng. Giá đường trong nước quá cao ngay lập tức dẫn đến tình trạng buôn lậu đường qua biên giới Tây Nam gia tăng.
“Nhộn nhịp” buôn lậu đường
Giá đường từ 9.000 - 10.000 đ/kg lên 12.000 - 13.000đ/kg, có nơi giá bán lẻ lên đến 14.000đ/kg.
Chiều 27/12, tại An Giang, khi giá đường tại chợ Long Xuyên tăng vọt từ 11.000đ/kg lên 14.000đ/kg, hoạt động buôn lậu đường qua biên giới càng trở nên "nóng" hơn.
Từ bến đò Tân An theo tỉnh lộ An Hòa Sương lên cửa khẩu Vĩnh Xương (huyện Tân Châu), giữa trưa từng tốp phụ nữ và trẻ em dùng xe đạp vội vã chở các bao đường Thái Lan vào sâu nội địa. "Mấy bữa trước, chở một bao đường Thái Lan loại 50 kg từ bên kia biên giới về đến Trung tâm thương mại Tân Châu lời được 40 - 50 nghìn đồng. Bây giờ, lời còn đậm hơn do giá đường trong nước cao hơn đường Thái Lan nhiều, tới 1.500 - 2.000đ/kg" - một phụ nữ người Khmer ngụ ở ấp Vĩnh Bường, xã biên giới Vĩnh Hòa, nói.
Một cán bộ chống buôn lậu án ngữ ngay bến phà Cồn Tiên, thị xã Châu Đốc nói: "Giá đường trong nước tăng mạnh đã làm tình trạng buôn lậu đường Thái - vốn lắng xuống trong những tháng qua - gia tăng mạnh mẽ. Chặn bắt đầu này thì họ đi đầu nọ, lượng đường lọt qua "hàng rào" chống lậu có khi lên đến vài chục tấn mỗi ngày".
Theo quan sát của chúng tôi, chỉ một đoạn đường Thoại Ngọc Hầu thuộc phường Châu Phú A dài non cây số đã có đến 3 điểm tập kết đường lậu. Ở đây, đường lậu đã được sang qua bao đường nội, hoạt động xôm tụ cả ngày lẫn đêm.
Nông dân phấn khởi... bán mía non!
Ông Nguyễn Hoàng Ngoan - Phó giám đốc nhà máy đường Phụng Hiệp (Hậu Giang) bức xúc: "Mới vào đầu niên vụ, nhưng không ít doanh nghiệp đổ xô về vùng mía nguyên liệu Hậu Giang - Kiên Giang - Sóc Trăng mua hàng, dẫn đến giá mía nguyên liệu tăng đến mức kỷ lục, 550 đ/kg (loại 10 chữ đường) - tăng 150 đ/kg so với tháng trước.
Giá cao chót vót như vậy mà vẫn không đủ cung. Hiện tại, do thiếu nguyên liệu nên nhà máy phải hoạt động cầm chừng bằng cách sau 2 ngày hoạt động phải nghỉ một ngày để… chờ ghe chở nguyên liệu về. Sau mỗi đợt nghỉ cách quãng như vậy, chi phí sản xuất tăng hơn 50 triệu đồng, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng vọt".
Trong khi các nhà máy đường "kêu trời" vì giá mía nguyên liệu tăng thì nông dân lại... phấn khởi ra mặt. Anh Lâm Vì, nông dân ở xã Đại An 1 - huyện Long Phú (Sóc Trăng) khoe: "Tôi vừa thu hoạch 1,5 ha mía giống Quế đường 16, năng suất hơn 100 tấn/ha; cân cho nhà máy giá 500đ/kg, trừ chi phí lãi ròng hơn 40 triệu đồng".
Không ít nông dân đã quyết định "bán mía non" dù hơn tháng rưỡi nữa mía mới đạt năng suất và trữ đường cao nhất. Tại Cù lao Dung (huyện Long Phú, Sóc Trăng) - địa phương có vùng mía nguyên liệu lớn nhất tỉnh với khoảng 5.000 ha, nông dân còn tranh thủ chặt ngọn bán mía hom với giá 500 đ/kg trước khi thu hoạch. Nguồn "phụ phẩm" này cũng giúp nông dân kiếm thêm một khoản đáng kể.
Theo Tấn Đức
Báo Thanh niên