Dương Chí Dũng và "bộ sậu" tại Vinalines sắp hầu tòa
(Dân trí) - Thực hiện phi vụ mua ụ nổi 83M gây thất thoát gần 370 tỷ đồng của nhà nước, tham ô số tiền hơn 1,6 triệu USD chia chác nhau, Dương Chí Dũng cùng nhóm thuộc cấp của mình chuẩn bị hầu tòa với 2 tội danh "Cố ý làm trái" và "Tham ô tài sản".
TAND TP Hà Nội cho biết sẽ mở phiên tòa xét xử cựu chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng cùng 9 cựu lãnh đạo khác của Vinalines và cán bộ hải quan, đăng kiểm từ ngày 12/12. Các bị can đã bày ra những chiêu trò xảo trá trong phi vụ mua ụ nổi 83M tại Vinalines gây thiệt hại cho nhà nước đến gần 370 tỷ đồng để tham ô được số tiền hơn 1,6 triệu USD chia chác nhau bỏ túi.
Trong đó, về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng của bộ sậu Dương Chí Dũng, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã xác định 7 bị can gồm: Dương Chí Dũng (cựu chủ tịch tịch HĐQT Vinalines), Mai Văn Phúc (cựu tổng giám đốc Vinalines), Trần Hữu Chiều (cựu phó tổng giám đốc kiêm Trưởng ban quản lý dự án mua ụ nổi 83M), Bùi Thị Bích Loan (cựu kế toán trưởng Vinalines), Lê Văn Dương (đăng kiểm viên), Mai Văn Khang (cán bộ Ban quản lý dự án Vinalines), Trần Hải Sơn (cựu giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines).
3 bị can khác là cán bộ chi cục hải quan Vân Phong cũng bị khởi tố do có hành vi cố ý làm trái trong thủ tục thông quan, nhập khẩu ụ nổi 83M gồm: Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng.
Ngoài ra, Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm là Phúc, Chiều, Sơn còn bị cáo buộc thêm tội Tham ô tài sản.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Theo kết luận của CQĐT Bộ Công an, với cương vị chủ tịch Vinalines, Dương Chí Dũng đã câu kết với hàng loạt cán bộ cấp dưới tổ chức mua ụ nổi 83M. Mặc dù các bị can biết rõ chủ sở hữu ụ nổi M83 là công ty Nakhodka, công ty AP chỉ là nhà môi giới. Ụ nổi M83 được sản xuất năm 1965 bị hư hỏng nhiều, không còn hoạt động và đã bị đăng kiểm Nga dừng phân cấp vào năm 2006. Giá ụ nổi Công ty Nakhodka đưa ra đàm phán là dưới 5 triệu USD.
Tuy nhiên, Dũng, Phúc vẫn chỉ đạo mua ụ nổi 83M qua công ty AP mà không mua trực tiếp qua công ty Nakhodka với tổng mức đầu tư là 14,136 triệu USD, phương thức mua sửa chữa tại Nga và lai dắt về Việt Nam. Nhưng sau đó, Dũng lại ký phê duyệt điều chỉnh phương thức từ mua sửa chữ ụ nổi tại Nga, lai dắt về Việt Nam sang vận chuyển ụ nổi bằng tàu nâng nặng rồi tổ chức sửa chữa tại Việt Nam nâng tổng mức đầu tư từ 14,136 triệu USD lên 19,5 triệu USD.
Trong đó giá mua ụ nổi lên tới 9 triệu USD qua công ty AP chứ không mua trực tiếp qua Công ty Nakhodka với giá công ty đưa ra đàm phán là dưới 5 triệu USD.
Với thủ đoạn như vậy, Dương Chí Dũng cùng đồng bọn đã gây thất thoát của nhà nước đến gần 370 tỷ đồng, đồng thời tham ô chia chác nhau hơn 1,6 triệu USD. Trong đó, Dương Chí Dũng với vai trò chủ mưu, cầm đầu chỉ đạo thực hiện hành vi tham ô. Cá nhân Dũng trục lợi được 10 tỷ đồng. Các đối tượng Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều đều là các đồng phạm tích cực của Dương Chí Dũng và được ăn chia nhiều tỷ đồng.
Ngày 17/5/2012, cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, khám xét, bắt tạm giam Dương Chí Dũng (SN 1957), nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines. Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra tiến hành tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam thì Dương Chí Dũng đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú nên ra quyết định truy nã đặc biệt trên toàn quốc.
Đến ngày 4/9/2012, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phối hợp bắt giữ được Dương Chí Dũng khi đang lẩn trốn ở nước ngoài.
Sau khi Dương Chí Dũng bị bắt, cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã làm rõ một “đường dây” đã tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn ra nước ngoài trước đó. Trong số những người bị bắt và bị khởi tố vì giúp cho Dương Chí Dũng bỏ trốn có bị can Dương Tự Trọng - Nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự an toàn xã hội và là em ruột của Dương Chí Dũng.
Anh Thế